vĐồng tin tức tài chính 365

CASA ngân hàng cải thiện khi lãi suất tiết kiệm chạm đáy

2023-11-01 12:13

Lãi suất giảm sâu tiền vẫn chảy vào ngân hàng

Nhiều ngân hàng lớn tiếp tục duy trì điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm trong tuần cuối của tháng 10/2023. Hiện kỳ hạn tiền gửi tiết kiệm 12 tháng hầu hết nhà băng không còn duy trì mức 6%/năm, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngoại trừ một số nhà băng có lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất được ghi nhận tại PVcomBank, NCB, Sacombank, với mức 6,2%/năm.

Trong top 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, mới đây, Vietcombank giảm thêm 0,2% lãi suất tiết kiệm, còn 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Còn lại 3 ngân hàng là Agribank, VietinBank, BIDV vẫn giữ mức lãi suất huy động cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn dài trên 12 tháng; các kỳ hạn trên 6 đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm; kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng là 3-3,3%/năm.

Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng "thừa tiền" vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với nền kinh tế tính đến 24/10/2023 tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong khi tín dụng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 6,92%. Như vậy, tín dụng trong tháng 10 giảm 0,11%. Tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.

Tuy lãi suất tiết kiệm giảm sâu, song nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến tháng 8/2023, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng kỷ lục. Trong đó, tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng của dân cư đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 6,43 triệu tỷ đồng. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp cũng tăng gửi tiền vào ngân hàng trở lại khi có thêm 103.501 tỷ đồng tiền gửi trong tháng 8. Tháng 7/2023, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm hơn 74.000 tỷ đồng so với tháng 6. Lũy kế tính đến hết tháng 8/2023, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 6.013 triệu tỷ đồng.

Lý do người dân, doanh nghiệp chọn kênh tiết kiệm do tính chất ổn định và an toàn, trong khi các kênh đầu tư khác dù hấp dẫn nhưng có nhiều rủi ro.

Giới phân tích tài chính cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư vào chứng khoán có thể gặp nhiều rủi ro; các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản vẫn còn bấp bênh, chưa có điểm sáng. Vì vậy, dòng tiền vẫn đang nằm trong ngân hàng để chờ đợi, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đây chính là cơ hội cho các nhà băng tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tối ưu hóa dòng vốn, giảm chi phí.

CASA ngân hàng tăng mạnh trong quý III

Tiền gửi của khách hàng đến quý III/2023 tại Techcombank đạt 409.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm và 7,1% so với quý trước. Số dư CASA tăng trong quý thứ 2 liên tiếp, đạt 137.600 tỷ đồng, tăng 3,2% so với quý II/2023, dẫn dắt bởi CASA bán lẻ (tăng 4,9% so với quý trước).

Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn tăng trở lại, đạt 271.500 tỷ đồng, ghi nhận tăng 9,2% so với quý trước và 20,1% so với đầu năm. Vì vậy, tỷ lệ CASA trong quý III/2023 của Techcombank đứng ở mức 33,6%. Điều này cho thấy trong bối cảnh môi trường lãi suất đã bình thường trở lại và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, khách hàng vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn vì các cơ hội đầu tư ở các loại tài sản khác hiện vẫn còn hạn chế.

Với tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 7,6%, ACB tiếp tục vượt trung bình ngành (6%), từ đó giúp gia tăng thị phần huy động. Quy mô tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng này cũng liên tục được cải thiện, tăng trưởng tốt trong quý III/2023 và đã phục hồi so với mức đầu năm nay.

SeABank cũng là một trong những ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi khách hàng cao nhất trong quý III, tăng 22% so với đầu năm 2023, đạt gần 141.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng từ gần 10.800 tỷ đồng lên hơn 23.600 tỷ đồng, chiếm một nửa số dư tiền gửi tăng thêm. Số dư CASA cao hơn giúp giảm áp lực trả lãi cho ngân hàng.

Đáng chú ý nhất là tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank - chỉ tiêu ảnh hưởng lớn tới chi phí vốn - đã tăng lên mức cao nhất 3 quý, đạt gần 400.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý III, gần tương đương mức cuối năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của Vietcombank, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng trên tổng huy động từ dân cư (CASA) tại thời điểm cuối tháng 9 đạt hơn 29,5%.

CASA có vai trò quan trọng trong bối cảnh chi phí vốn đang gây áp lực tới tăng trưởng của các ngân hàng. Trong hai quý gần nhất, lợi nhuận nhiều nhà băng đã thu hẹp khi chi phí trả lãi tăng cao khiến thu nhập lãi thuần sụt giảm.

Với Vietcombank, chi phí lãi và các khoản tương đương trong quý III/2023 đã tăng hơn 56%, trong khi các khoản thu từ lãi chỉ tăng 17%. Tuy nhiên thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ giảm nhẹ, lợi nhuận vẫn tăng hai chữ số nhờ giảm chi phí hoạt động và dự phòng.

Xem thêm: lmth.059233tsop-yad-mahc-meik-teit-taus-ial-ihk-neiht-iac-gnah-nagn-asac/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“CASA ngân hàng cải thiện khi lãi suất tiết kiệm chạm đáy”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools