"Con đậu đại học mà sao ai cũng rầu hết vậy?"
Nhập học với những khoản vay
"Ngày cháu nội đậu đại học, nó hỏi một câu mà khiến tim của người làm bà như tôi thắt lại, không biết trả lời sao cho đặng. Thương cháu nhưng đành bất lực, nuốt nước mắt vào trong", bà Nguyễn Thị Kim Hoa, 73 tuổi, quê Tiền Giang, nói.
Cháu nội mà bà Hoa nhắc tên là em Nguyễn Phương Vi (18 tuổi, tân sinh viên khoa quản lý công nghiệp Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM). Dù Vi đã xa nhà lên TP.HCM nhập học được hơn một tháng nay nhưng trong lòng bà Hoa vẫn day dứt bởi câu nói của cháu ngay ngày nhận kết quả đậu đại học: "Đậu đại học người ta ăn mừng, sao nhà mình ai cũng rầu?"...
"Nó xem thấy kết quả đậu đại học rồi báo tin cho cả nhà. Lúc đó có đủ mặt bà nội và các thím, chú nhưng ai cũng buồn so. Con bé cũng mất hứng rồi khóc tủi", bà Hoa kể lại.
Từ tấm bé, Phương Vi đã phải sống trong cảnh không cha, không mẹ. Nói đúng hơn thì có đầy đủ cha mẹ nhưng họ đã ly hôn, mỗi người đều có cuộc sống riêng nên hai chị em Vi về sống với nội.
Tuổi thơ của hai chị em cứ trôi qua trong khó khăn, nhọc nhằn bởi những lo toan cơm áo gạo tiền của nội. "Hồi ông nội tụi nhỏ còn, cuộc sống vốn đã vất vả nhưng cũng còn có miếng cơm ăn qua ngày. Đến hồi ông nội tụi nhỏ mất, cuộc sống khó khăn tứ bề", bà Hoa nói.
Rồi như nhiều gia đình khó khăn khác tại vùng quê nghèo huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), năm Vi lên cấp 3, bà Hoa có ý định cho cháu nghỉ để đi làm công nhân. Nhưng Vi nhất quyết phải đi học.
Biết cháu thiệt thòi, bà dồn hết tình cảm cho cháu. Nhưng duy nhất chỉ có việc cho cháu đi học đại học, bà không thể đáp ứng nổi. Ngay cả vài triệu đồng cho cháu làm lộ phí đi xe lên TP.HCM nhập học bà cũng phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi.
Dù không ai ủng hộ nhưng cô tân sinh viên Nguyễn Phương Vi vẫn tìm mọi cách để nội an tâm cho em đi nhập học.
"Chập đó sau khi thi xong và nhận kết quả đậu, người nhà không ai quan tâm đến và khuyên em đừng đi học nhưng em ra sức thuyết phục", Vi nói.
Tuy chưa bước chân ra khỏi làng quê bao giờ nhưng khao khát được tiếp tục đi học, Vi đã mày mò lên mạng rồi tìm hiểu về các khoản vay của hội cựu sinh viên nơi trường Vi dự tính theo học.
Sau khi được các anh chị đồng ý cho vay đủ số tiền học phí cho học kỳ 1, Vi tiếp tục nhờ nội vay một khoản tiền làm lộ phí đón xe đò lên TP.HCM để thực hiện ước mơ.
Khi được hỏi dự định về tương lai, Vi chỉ cười ngập ngừng rồi nói: "Em chỉ mong đủ sức khỏe để đi làm thêm, kiếm tiền đóng học phí để vượt qua bốn năm sắp tới".
Ngày đậu đại học, lần đầu tiên hai bà cháu giận nhau
Cũng giống như hoàn cảnh Nguyễn Phương Vi, hoàn cảnh của em Lê Ngọc Hải Yến - tân sinh viên ngành sư phạm sử Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cũng mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ.
Lớn lên trong tình thương yêu của ông bà nội ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, Hải Yến được chăm bẵm kỹ bởi em thiếu hơi ấm của cha mẹ từ nhỏ, lại bệnh tật liên miên.
"Nhà nội nghèo, hằng ngày phải đi làm thuê làm mướn nhưng hễ cháu thích ăn gì, ông nội đều cố gắng mua cho cháu. Lúc đi vác lúa mướn hay xới đất thuê, ai cho chai nước ngọt hay bánh kẹo, ông đều mang về cho cháu gái", bà Đỗ Thị Kim Tuyến, 70 tuổi - bà nội của Hải Yến, nói.
Không phụ lòng ông bà nội, Hải Yến đạt học sinh giỏi suốt 11 năm liền. Duy nhất chỉ có một năm lớp 10 đạt loại khá. "Đó cũng là năm ông nội mất, em như mất đi một phần trong cơ thể vậy. Còn nhớ ngày đó em vừa đi học về thấy người ta xúm kín đen trước nhà. Linh cảm điều tồi tệ sẽ xảy ra, em như chết ngất tại chỗ", Hải Yến nhớ lại.
Còn lại bà nội là người thân thương ruột thịt duy nhất, Hải Yến không nỡ đi học xa nhà. Nhưng ở làng quê nghèo, biết làm gì để nuôi nội khi nội về già. Nghĩ thế, Hải Yến bấm bụng chọn vào một trường đại học ở Sài Gòn.
"Ngày đậu đại học cũng là ngày em với nội giận nhau. Đó cũng là lần giận nhau duy nhất trong suốt 18 năm chung sống với nội. Bởi em quyết tâm đi học xa nhà, còn nội không nỡ để em đi vì sức khỏe em không đảm bảo", Hải Yến kể lại.
Yên tâm sao được khi Hải Yến mang trong mình nhiều chứng bệnh, phải uống thuốc hằng ngày. Phần lo cho sức khỏe của cháu, phần không có tiền lo cho cháu đi học nên bà Tuyến chỉ muốn cháu học hết cấp 3 rồi kiếm một công việc gì nhẹ nhàng gần nhà.
"Nhưng em không muốn nội phải mãi lo lắng cho mình, em phải học để kiếm cái nghề, sau này còn làm kiếm tiền lo cho nội và cho cuộc sống của em. Hơn nữa, ngay từ nhỏ em cũng đã có đam mê được trở thành cô giáo", Hải Yến tâm sự.
Hai tân sinh viên ở cách xa nhau hàng chục km nhưng cùng một điểm chung là đều lớn lên nhờ sự che chở của ông bà nội. Và cả hai cô gái nhỏ nhắn ấy đều không dễ để những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống khuất phục mình.
Sáng 31-10, đại diện Saigon Co.op đã trao 300 triệu đồng ủng hộ chương trình Tiếp sức đến trường 2023 của báo Tuổi Trẻ.