Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 1/11, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã đề cập về chính sách đối với doanh nghiệp và doanh nhân.
“Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp của chúng ta gặp muôn vàn khó khăn”, bà Hoa nói.
Trước tình hình này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.
Quốc hội ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 để khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Chính phủ luôn đồng hành, thường xuyên chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực.
“Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn trước mắt và cần phải có sự các biện pháp tháo gỡ”, bà Hoa nói và đưa ra các nội dung cụ thể.
Thứ nhất, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đối với doanh nghiệp xây dựng vẫn là vấn đề nổi cộm trong quản lý đầu tư công; chủ yếu nợ đọng từ ngân sách địa phương.
Đáng lưu ý, có những khoản nợ từ trước năm 2015. Hệ lụy của tình trạng này là kéo dài thời gian hoàn thành dự án, chậm đưa vào công trình khai thác, sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, việc chậm hoàn thuế VAT. Hoàn thuế là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng việc hoàn thuế có trường hợp rất chậm. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ.
Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của đánh giá, tính thủ công về nghiệp vụ, sự phức tạp, chồng chéo của các văn bản cùng việc thiếu tiêu chí về phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế đã gây ách tắc lớn cho doanh nghiệp.
“Trên thực tế, có doanh nghiệp đã phải than thở rằng, doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì bị xử lý nghiêm. Nhưng doanh nghiệp bị nợ đọng vốn xây dựng cơ bản và bị “giam” tiền thuế, hoàn thuế VAT gây thiệt hại lớn thì chẳng biết kêu ai. Đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân và có những giải pháp quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm tình trạng này”, bà Hoa nói thêm.
Khó khăn thứ ba, theo đại biểu là về tín dụng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn. Nhưng bên cạnh đó vẫn rất cần những thủ tục thông thoáng hơn và nghiên cứu thêm những sản phẩm tín dụng đặc thù, linh hoạt hơn cho loại hình doanh nghiệp này.
Bà Hoa cũng cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong một số trường hợp chưa thực sự hiệu quả. Để giúp doanh nghiệp phát hiện những sai phạm từ sớm, từ xa để kịp thời chấn chỉnh.
“Tôi đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra, kiểm tra cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc có liên quan để doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể được cơ cấu lại, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh và tiếp tục đóng góp cho xã hội”, nữ đại biểu góp ý.
Vướng mắc từ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành thuế
Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế VAT đối với xuất khẩu, đoàn giám sát đã làm việc với nhiều cục thuế trên cả nước và các doanh nghiệp.
Kết quả chỉ ra việc giải quyết hoàn thuế VAT trong năm 2022 và nhất là 6 tháng đầu năm 2023 chậm hơn so với các năm trước đó, số hồ sơ hoàn đã giải quyết chỉ đạt 79%.
Cụ thể, trong khi tỉ lệ số hồ sơ kiểm trước tăng cao hơn so với các năm trước (25%) thì số hồ sơ tồn - đang giải quyết và chưa được hoàn là 1.839 hồ sơ, chiếm 17%. Đến ngày 31/8 số hồ sơ tồn còn lại 647 hồ sơ.
Các ngành bị chậm hoàn thuế gồm: ngành gỗ và các sản phẩm gỗ tỉ lệ hồ sơ được giải quyết hoàn là 85%; ngành tinh bột sắn là 45%; ngành cao su là 62%; ngành linh kiện điện và điện tử là 59% (thấp hơn so với mức thông thường là trên 90%). Đáng chú ý, số tiền truy thu sau khi thanh kiểm tra chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ không đáng kể.
Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá tỉ lệ số hồ sơ tồn trong 4 lĩnh vực này đã tăng đáng kể so với số liệu của mặt bằng chung, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023. Trong khi đó, số hồ sơ chuyển sang kiểm tra trước tăng lên đáng kể, nhưng số tiền phát hiện lại “đặc biệt thấp”.
Điều này phần nào cho thấy mức độ rủi ro gian lận có thể không cao, hoặc công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn còn chưa hiệu quả. Chưa kể một số hồ sơ sau khi chuyển cho cơ quan công an và đã được cơ quan công an trả lời là chưa có dấu hiệu tội phạm và hiện cơ quan thuế vẫn đang dừng hoàn, gây bức xúc lớn cho các doanh nghiệp, hiệp hội.
Đoàn giám sát đánh giá các vướng mắc, tồn đọng phát sinh từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành thuế, yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát.
“Tính thủ công về nghiệp vụ, sự phức tạp, chồng chéo và quá nhiều các văn bản cảnh báo, cùng với sự thiếu rõ ràng về phạm vi, chưa áp dụng thống nhất quản lý rủi ro gắn với ứng dụng công nghệ thông tin đã khiến việc thực hiện gây ách tắc lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu”, Đoàn giám sát đánh giá.