Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2023, dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương 2024, cũng như kế hoạch đầu tư công 2024.
Từ 1/7/2024, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27 Trung ương. Lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương với khu vực doanh nghiệp cũng sẽ được điều chỉnh.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự toán tổng chi ngân sách (chi thường xuyên, đầu tư phát triển, lương...) là trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 24.100 tỷ so với 2023. Số tổng chi gần 2,12 triệu tỷ đồng, nếu tính cả 19.000 tỷ đồng số thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán 2024 của một số địa phương để điều chỉnh lương cơ sở 1,8 triệu đồng một tháng.
Trong số này, tiền dự chi cho cải cách tiền lương năm 2024 là 55.400 tỷ đồng, trong đó 48.000-49.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, còn lại là địa phương.
Ủy ban Tài chính ngân sách khi thẩm tra lưu ý, Chính phủ cần đánh giá, so sánh tổng thể chính sách cải cách tiền lương và cân đối nguồn lực thực hiện trong 2024-2026 và dự báo tới 2030. Cùng đó, cải cách tiền lương cần thực hiện đồng bộ với tăng lương cơ sở, đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế để đảm bảo tính khả thi, lâu dài theo lộ trình Nghị quyết 27.
Về kế hoạch đầu tư công 2024, Chính phủ cho biết, số vốn đầu tư công năm 2024 cần để thực hiện các dự án, công trình, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là hơn 769.265 tỷ đồng. Mức này tăng khoảng 8% so với kế hoạch vốn 2023.
Trong đó, vốn từ ngân sách Nhà nước cân đối được gần 677.349 tỷ đồng, tức đáp ứng hơn 88% nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Phân bổ cụ thể, Chính phủ dự kiến ngân sách Trung ương sẽ chi 245.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 178.600 tỷ đồng cho các dự án cao tốc, đường ven biển và các dự án hạ tầng trọng điểm khác.
Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng đây là phần vốn lớn, chiếm hơn 27% tổng vốn ngân sách Trung ương. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát các dự án, đảm bảo đủ thủ tục đầu tư, tính khả thi thực hiện dự án.
Ngân sách địa phương dự kiến bố trí gần 432.349 tỷ đồng. Nhất trí với dự toán này, nhưng Ủy ban Tài chính lưu ý tình trạng các địa phương lập kế hoạch nguồn thu từ đất khá cao, ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước và không đáp ứng nhu cầu chi đầu tư theo kế hoạch. Việc này sẽ dẫn tới nợ xây dựng cơ bản tăng do không đảm bảo nguồn thanh toán. Vì thế, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch sát thực tế, đảm bảo các dự án đủ nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Cũng theo chương trình, các đại biểu sẽ góp ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2205 và bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách 2023 cho các bộ, ngành và địa phương. Dự kiến, Bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư sẽ thay mặt Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Anh Minh