vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ 3: "Quan lớn" Fulro sống ra sao?

2023-11-02 03:55

Đi thêm khoảng 32km đường cực xấu với cả chục cây cầu dã chiến mà muốn qua được lúc trời mưa phải có nhiều người phụ nâng dần từng bánh xe. Có những con dốc mà muốn xe chạy về phía trái, tài xế phải cua bánh xe ở phía ngược lại, nghĩa là xe chạy theo độ trượt dốc của mặt đường chứ không phải theo ý muốn của tài xế. Cuối con đường "dễ nể" đó là xã Tà Năng, huyện Đức Trọng - một xã có những con số rất "ấn tượng". Đồng chí Nguyễn Huy Thanh, Bí thư Đảng ủy ở đây cho biết:

- Xã có diện tích tự nhiên 26.000ha (tức 260km2, gần bằng 1/3 tỉnh Bắc Ninh 822,7km2) với bề dài 25km, bề ngang 18km. Rộng lớn là vậy, nhưng cả xã chỉ có... 1 máy điện thoại duy nhất (loại vô tuyến)! Xã có hơn 4.000 dân, nhưng rất khó tìm được người có trình độ văn hóa từ lớp 6 trở lên! Nhiều năm liền, thanh niên ở xã này không thể đi nghĩa vụ quân sự được vì trình độ văn hóa quá thấp. Nguồn cán bộ dự trữ cho địa phương vì thế coi như không có. Như vậy, Tà Năng đáng coi là xã nghèo nhất nước.

Thế nhưng trên địa bàn của xã lại có một... mỏ vàng. Từ năm 1991 về trước, Tà Năng phải chứa thêm hàng vạn người khắp các tỉnh, thành cả nước tập trung về khai thác vàng. Các loại đối tượng hình sự, tệ nạn theo đó tràn vào làm Tà Năng có thêm 2 cái "nhất": nhất về lượng người tạm trú trái phép và nhất về phá hủy môi trường! Hàng ngàn héc-ta rừng bị giới đào vàng lật gốc thành hầm, hang nham nhở, chằng chịt...

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng phải tốn nhiều công sức mới giải tỏa được vùng này. Vàng hết. Tà Năng lại lặng lẽ với cái nghèo triền miên và gần như bị cô lập mỗi khi mùa mưa về. (Đến năm 2023 thì xã Tà Năng nói riêng, cả huyện Đức Trọng - Lâm Đồng nói chung, đều đã có những phát triển về kinh tế, xã hội rất lớn, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, không còn thực trạng như 25 năm trước).

Tác giả phỏng vấn "tỉnh trưởng Fulro" Tuné Đen sau khi ông cùng vợ con, cấp dưới ra đầu thú ở Công an huyện Đức Trọng, Lâm Đồng

Chúng tôi đến nhà "tỉnh trưởng" Tuné Đen (SN 1936) ở cách trung tâm xã 6,5km. Dù đã 62 tuổi nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Căn nhà gỗ lợp tranh của ông biệt lập giữa một cánh rừng già đang được khai phá nham nhở. Ông tâm sự:

- Tôi được 3ha đất, đang trồng cà phê hơn một nửa. Đây là đất chạy dọc theo suối Krung, rất tốt. Hồi nhỏ tôi chăn trâu ở vùng này và mơ ước sau này mình sẽ có một căn nhà bên bờ suối. Khi bỏ Fulro về, cách mạng cho tôi được thỏa ước nguyện vọng; tôi đã được cất nhà, làm rẫy trên mảnh đất tôi chọn từ 50 năm trước. Không vui sao được! (cười hà hà)...

Tuné Đen là con ông Gia Lâu - người đứng đầu họ Tuné lớn nhất trong cộng đồng người Chu Ru ở vùng Đơn Dương, Đức Trọng. Học xong tiểu học, Đen đã ngoài 20 tuổi, được tuyển vào cảnh sát chế độ cũ, sau đó được đào tạo 3 tháng ở trường cơ bản cảnh sát Đà Nẵng. Ngày tỉnh Tuyên Đức (tên cũ của Đà Lạt và vùng phụ cận: Đức Trọng - Đơn Dương - Lạc Dương) được giải phóng, Tuné Đen thấy mình có nợ máu với cách mạng nên rất sợ. Lúc ấy, ông Nahria Ya Đuck - nguyên "đệ nhất phó thủ tướng chính phủ Fulro", sau này ra hàng và tham gia Quốc hội, MTTQ tỉnh Lâm Đồng - khuyên Đen nên về Sài Gòn tìm đường ra nước ngoài.

Đen từ chối với lý do "muốn chiến đấu cho Tây Nguyên". Ông Ya Đuck cảm mến, phong cho Đen cấp đại úy, chỉ huy lực lượng Fulro hơn 70 tay súng, hoạt động ở vùng rừng núi Đơn Dương. Đầu năm 1978, nhóm của Đen bị bộ đội đánh tan, Đen bị bắt, sau đó được giáo dục và trả tự do, Đen chạy luôn vào rừng nhập toán của trung tá Ha-bốt (có khoảng 50 tay súng) hoạt động ở núi Voi, Đức Trọng. Đầu năm 1979, Ha-bốt cử Đen và 10 tay súng hộ tống đi 3 tháng đường rừng sang Campuchia liên lạc với tổng hành dinh Fulro. Đen được Paul Nưr - "phó thủ tướng" kiêm tổng trưởng Fulro tiếp và phong trung tá "tỉnh trưởng" Phan Rang. Nhận cấp hàm xong, Đen đi bộ 3 tháng vượt rừng về "nhiệm sở" ở vùng rừng núi sông Mao, giáp ranh giữa Nha Trang - Phan Rang.

Lúc đầu, ngài "tỉnh trưởng" có 40 quân, 10 súng. Một ngày đầu năm 1982, Đen tiếp nhận thêm một toán Fulro khác có 5 nam, 3 nữ, trong đó có một cô trẻ đẹp người dân tộc Chăm tên Kiều Thị Hương, SN 1958 ở Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Thuận (sau này Hương kể: "Lúc đó mới giải phóng (30/4/1975) có nhiều người là Fulro đến nhà mình. Họ nói chế độ VNCH mất rồi, nếu ở lại sẽ bị cộng sản bỏ tù, đánh đập; con gái chưa chồng sẽ bị bắt lấy những Việt cộng tàn tật sống sót sau chiến tranh, đói khổ lắm. Mình khi ấy mới 17 tuổi, nghe xong sợ lắm. Đã vậy, Fulro còn hứa sau này sẽ cho đi nước ngoài sống sung sướng. Mình cứ nghĩ đó là lý tưởng nên bỏ nhà, bỏ người thân vào rừng "kháng chiến"...). Sau 6 năm lưu lạc trong rừng sâu chịu đói khổ, vất vả cùng cực, nhóm Fulro 8 người của Kiều Thị Hương mừng rỡ khi gặp được thủ lĩnh mới Tuné Đen.

Bà con các buôn làng đến thăm các Fulro ra đầu thú ở CA huyện Bảo Lâm 1998

Hương được chọn làm thư ký cho "tỉnh trưởng" ngay từ lần gặp đầu tiên, sau đó sinh cho ông 7 người con. Nhưng điều kiện khắc nghiệt của rừng núi đã cướp đi 2 đứa con và hơn một nửa số lính của Đen. Dù vậy, Đen vẫn thường xuyên nhận được những chỉ thị rất lạc quan như: "quân đội VNCH sắp trở về cùng với 1 vạn máy bay ném bom", "phải xây dựng sân bay dã chiến trong rừng để chuẩn bị đón hàng nước ngoài tiếp viện"... Nhóm Tuné Đen chờ đến vàng mắt và phát quang hàng chục lần cái "sân bay" ấy, nhưng chẳng thấy một chút hàng tiếp viện nào ngoài truyền đơn bọc nylon kêu gọi Fulro ra đầu thú của chính quyền cách mạng. Lính Fulro rất tò mò với truyền đơn, nhưng không dám rờ tới bởi sợ đồng bọn nghi là dao động sẽ bị khử...

Kỷ niệm đáng nhớ trong những năm vợ chồng ông Tuné Đen ở rừng là một ngày giữa năm 1983, Đen dùng súng M16 bắn hạ được 2 con heo rừng choai. Đang lặc lè kéo chiến lợi phẩm về, bỗng Đen nghe "gừ...ườm..."..., ngước mắt lên đã thấy một ông cọp to lớn chặn ngang đường nhe nanh, giơ vuốt thị uy. Đen giật mình, sẵn súng trong tay nổ luôn mấy phát, "ông ba mươi" rống lên, lật nghiêng. Lúc làm thịt cọp, Đen nhặt được trong bao tử của nó một chiếc nhẫn đồng có khắc chữ "Thọ”. Con cọp khoảng 200kg này đã từng ăn thịt người.

Ông Đen sau đó còn bắn hạ một con voi để lấy lương thực cho gia đình ông và nhóm Fulro theo ông ở rừng. "Con voi ông Đen bắn nặng đến vài tấn. Cả đoàn người nhiều ngày đói lả vì không tìm được thứ gì để ăn, ông Đen đã bắn hạ con voi, cắt lấy một miếng thịt lớn, nướng rồi phơi làm lương khô để dành. Phần quý nhất của con voi là cặp ngà nặng đến 20kg được bảo quản cẩn thận, chỉ có ông Đen được ở gần, coi giữ. Cứ vài tuần, ông lại cắt một khúc ngà, đưa lính thân cận mang đi bán, đổi lấy muối, gạo, quần áo. Muối mang về, ông chia cho mỗi người 1 muỗng, gói trong lá rừng, thỉnh thoảng ăn một hạt chứ không đủ để cho vào nồi nấu thức ăn. Áo quần ai rách rưới thì dùng vỏ cây rừng "khâu", chắp vá lại. Hãn hữu lắm ông Đen mới đưa tiền sai lính đi mua quần áo, nhu yếu phẩm. Cặp ngà voi khi đó là tài sản duy nhất, dành để duy trì nuôi sống mấy chục con người. Ông Đen căn dặn, không ai được quyền bắn hạ thêm một con voi nào để lấy ngà. Ai trái lời sẽ bị ông ấy trừng phạt" - bà Hương kể với chúng tôi năm 2019, tức gần 25 năm sau ngày gia đình bà được trở lại cuộc sống bình thường sau khi ra đầu thú.

Một lần, vợ chồng bà Hương vừa tắm xong cho cậu con trai ở bên một con suối, bất ngờ nghe có tiếng súng nổ. Ông Đen lập tức hô lớn "Chạy!". Bà Hương chỉ kịp ôm chặt đứa con trai nhỏ vào lòng, dắt theo đứa lớn, cuống cuồng chạy thục mạng. Ông Đen vừa chạy thụt lùi, vừa dùng súng bắn lại lực lượng truy bắt. Một phát đạn bắn trúng xuyên đùi ông, máu lênh láng. Vừa chạy, ông vừa xé áo, quần tự băng bó vết thương cho mình...

Từ đầu những năm 1990, toán Fulro dưới quyền của Đen bị chết dần vì thiếu, đói. Đen buồn khổ nhất là ngày phải chôn Măng Sanh, cận vệ thân tín nhất, người lính cuối cùng này đang đào củ mài thì bị sét đánh chết. Cái chết ấy đã để lại nỗi hoang mang cho Đen. Ông thấy núi rừng đầy những đe dọa hãi hùng, thấy chức vụ tỉnh trưởng Fulro vô nghĩa. Nhớ đến người em ruột của mình đã đi theo cách mạng từ 1968, ông càng bị giày vò. Đến một ngày cuối tháng 3/1994, khi đọc được truyền đơn kêu gọi đầu thú của CA huyện Đức Trọng, Tuné Đen quyết định trở về. Vợ ông vừa sanh rất yếu, song ông vẫn hối vượt rừng. Sau 4 ngày đi bộ ròng rã, gia đình ông ra được đến đầu làng Tuné. Ông để súng đạn, vợ con lại rồi một mình thong thả vào làng. Người đầu tiên ông gặp là một thanh niên gần 40 tuổi. Ông nhận ra đó là Ya Sheng, đứa cháu ngày nào giờ đang đeo một khẩu các-bin. Có lẽ nó là du kích - ông nghĩ vậy và gọi:

- Ya Sheng nhớ ai không?

- ...?

- Bác Đen đây!

- Ồ... chưa chết à? Vậy thì phải ra gặp bí thư, chủ tịch xã, tui không giải quyết được đâu!

Vài giờ sau, CA huyện Đức Trọng vào thu hồi súng đạn, con dấu tỉnh trưởng và các tài liệu của Tuné Đen. Ông được tự do mà không hề gặp một trở ngại nào.

Năm 2006, ông Tunéh Đen mất, mộ của ông được xây ngay trên mảnh vườn rộng hơn 6ha, bạt ngàn cà phê của gia đình. Bà Kiều Thị Hương - vợ ông bùi ngùi kể: "Thời gian khoảng năm 1991, thấy vợ con khổ vì điều kiện vật chất thiếu thốn ở trong rừng, chồng tôi nhiều đêm thức trắng. Tôi biết ông ấy đã nhận ra bản chất của Fulro, biết con đường mình đi là sai lầm. Nhưng ông ấy sợ bị trả thù, bị bắt hoặc bị đánh chết nên không dám trở về. Khi về rồi, sống cuộc đời bình yên, chúng tôi cứ tiếc mãi. Cách mạng không bao giờ quay lưng với những con người lầm đường lạc lối...".

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Đêm liên hoan trong rừng sâu
(CATP) KSờn im lặng đọc thư, không nói gì chỉ gật đầu và tủm tỉm cười. KBối - Trưởng tổ công tác đặc biệt lôi trong hành lý ra nào gạo, cá khô, mắm muối, bột ngọt... nói:
 
VĂN LONG - NGỌC HÀ

Xem thêm: lmth.437451_oas-ar-gnos-orluf-nol-nauq-3-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Kỳ 3: "Quan lớn" Fulro sống ra sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools