Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 31-10 và 1-11, nhiều đại biểu tranh luận việc có nên để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa không.
"Nhà nước không biên soạn thì giao hết tư nhân?"
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói: "Giáo dục phổ thông là giáo dục con người, giáo dục nền tảng. Bảo Nhà nước không nên làm, thậm chí nói Nhà nước không biên soạn sách giáo khoa thì giao hết vào tay tư nhân?".
Theo ông, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thẩm định thì sẽ rất khó thể hiện hết chức trách của mình.
"Anh muốn phát triển nội dung nhưng người ta không làm, hay không làm được, thì sao? Anh chỉ kiểm định nội dung và không để lọt những vấn đề băn khoăn thôi, nhưng nếu người ta xây không được, làm không tới thì trách nhiệm của anh ở đâu?", ông Vinh đặt vấn đề.
Tuy vậy, ông nhấn mạnh làm phải theo thực tiễn vì đã có chủ trương xã hội hóa, cần làm hài hòa, để đạt mục tiêu cuối cùng là có sản phẩm chất lượng tốt nhất cho học sinh, phù hợp với các gia đình.
"Nếu không phải bộ làm mà một tổ chức khác làm thì có lãng phí không? Tiền ngân sách thì tiền nào chả là tiền bỏ ra. Tại sao tiền anh bỏ ra thì bảo không lãng phí, còn tiền ngân sách lại bảo lãng phí?", ông Vinh nhìn nhận.
Ông Vinh tiếp tục khẳng định Nhà nước rất khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, còn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong giáo dục là phát triển sách giáo khoa chứ không phải biên soạn.
"Nghị quyết 88 giao làm một bộ sách để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước. Đâu phải Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một bộ sách thì các bên khác không được làm", ông Vinh nhấn mạnh.
Trước ý kiến lo ngại là việc có một bộ sách của Nhà nước "sẽ quay trở lại độc quyền", ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh nguyên tắc nội dung bình đẳng, và "không cần thành tích có bao nhiêu người tham gia biên soạn, mà nội dung phải thật tốt".
Theo đó, nếu có một bộ mà đáp ứng được yêu cầu, chất lượng, dân thỏa mãn cũng được, mà nhiều bộ nhưng người dân chấp nhận mua, sử dụng, đáp ứng nhu cầu học tập phong phú, đa dạng cũng không sao.
Ông dẫn chứng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, học sinh đâu có cần nhiều bộ sách giáo khoa, hay ở nhiều nước còn miễn phí sách giáo khoa, cấp không cho học sinh và do nhà nước làm.
Miễn phí bản quyền, giá sách sẽ giảm
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói: "Giờ cứ nói lãng phí nhưng Nhà nước hay tổ chức nào làm sách chả phải bỏ tiền ra? Các tổ chức tham gia biên soạn đang thu lại qua giá sách giáo khoa. Giá sách cao một phần vì chi phí đó.
Thường vụ Quốc hội đề xuất nếu là tiền ngân sách bỏ ra thì miễn phí bản quyền, giá sách sẽ giảm xuống. Tức là làm phục vụ nhân dân thì sẽ không tính khoản này vào giá.
Sách tiếng Anh có những quyển rất đắt nhưng một bộ phận người dân thấy cần thiết thì vẫn mua. Trong cơ cấu bộ sách giáo khoa cấp 3, hơn 800.000 đồng thì gần 400.000 đồng là sách tiếng Anh, ai cũng nói sách này cần thiết, tốt lắm nhưng giá lại đắt. Nếu phủ toàn dân, nhiều gia đình có lo được không?
Trong những trường hợp đó, nếu không ai làm thì Nhà nước có thể tham gia làm, đúng yêu cầu để học sinh bình thường có thể mua, dùng, học".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất là cần ưu tiên thẩm định chất lượng sách giáo khoa cho lớp 5, 9, 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách cho năm học tới.