vĐồng tin tức tài chính 365

Manh nha làm ô tô điện của Foxconn: Đang thực hiện chiến lược bí mật ‘3+3’, thách thức nằm ở 10.000-15.000 bộ phận cần l

2023-11-02 11:50
Manh nha làm ô tô điện của Foxconn: Đang thực hiện chiến lược bí mật ‘3+3’, thách thức nằm ở 10.000-15.000 bộ phận cần lắp ráp - Ảnh 1.

CEO Young Liu

Sau nửa thế kỷ lắp ráp Chevrolet Impalas, Cavaliers và Cruzes, GM quyết định đóng cửa khu phức hợp Lordstown bên ngoài Youngstown, gần biên giới Pennsylvania, như một phần của nỗ lực cắt giảm chi phí hồi năm 2019. Ban đầu, họ bán cơ sở này cho Lordstown Motors song cũng chỉ được một thời gian thì startup này phá sản.

Bất chấp sự ra đi của GM và Lordstown, nhà máy này vẫn tồn tại nhờ vào một chủ sở hữu hoàn toàn mới: Hon Hai Precision Industry, hay Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử khổng lồ có trụ sở tại Đài Loan. Mỗi buổi sáng, nhân viên nhà máy sẽ dành thời gian loại bỏ những thiết bị lỗi, kiểm kê và thử nghiệm máy móc. Họ cũng có thể chuẩn bị bản demo cho khách hàng hoặc đánh giá xem liệu băng chuyền và bể chứa hóa chất có cần nâng cấp hay không.

Foxconn là nhà sản xuất quan trọng nhất trên thế giới với doanh thu hồi năm ngoái chạm mốc 222 tỷ USD. Hãng hiện đang thiết lập dây chuyền sản xuất ô tô như một phần của công cuộc chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Lời chào mời dành cho các công ty ô tô truyền thống cũng chính là lời hứa mà Foxconn từng đưa ra với Apple: Hãy đến với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cung cấp, thiết kế hoặc lắp ráp toàn bộ chiếc xe của bạn - nhanh hơn và rẻ hơn.

Theo các chuyên gia, Foxconn đang bước vào một thị thường vô cùng khó bởi hoạt động chế tạo xe điện và điện thoại thông minh rất khác nhau. Trong khi một chiếc iPhone chỉ chứa vài trăm bộ phận riêng lẻ, một chiếc xe điện có tới khoảng 10.000 đến 15.000 bộ phận cần lắp ráp. Kinh nghiệm sản xuất ở Mỹ của Foxconn cũng không nhiều.

Kiếm tiền từ ô tô đồng nghĩa với việc Foxconn và giám đốc điều hành Young Liu sẽ phải chiếm được lòng tin của một số nhân vật, chẳng hạn như Lex Hoefsloot - CEO công ty khởi nghiệp Hà Lan Lightyear Technologies BV. Ông Hoefsloot hiện đang lập kế hoạch sản xuất Lightyear 2 - một chiếc crossover 5 chỗ dự định được bán với giá dưới 42.200 USD, song chưa tìm được đối tác.

“Chi phí và thời gian tung sản phẩm ra thị trường rất quan trọng. Về cơ bản, bạn đang tìm kiếm một nhà sản xuất all-in-one (tất cả trong một)”, Lex Hoefsloot nói.

Với khoảng 1,2 triệu nhân viên, Foxconn là nhà tuyển dụng tư nhân lớn thứ ba trên thế giới với năng lực sản xuất các sản phẩm có giá thành rất rẻ. Đây là sản phẩm trí tuệ của Terry Gou -  nhà sáng lập Foxconn. Người đàn ông này đã bắt đầu gây dựng sự nghiệp của mình vào năm 1974, chỉ với 7.500 USD vay từ mẹ.

Sau khi giành được đơn đặt hàng cung cấp cần điều khiển cho hãng trò chơi điện tử Atari, Gou dành gần 1 năm thuyết phục khách hàng trên khắp nước Mỹ. Chẳng bao lâu sau, người ta thấy Foxconn cung cấp được vỏ ngoài cho máy tính Compaq và Dell; bo mạch chủ và các thành phần khác. Hãng cũng tận dụng từng làn sóng công nghệ, từ máy tính xách tay, điện thoại di động đời đầu cho đến webcam.

Manh nha làm ô tô điện của Foxconn: Đang thực hiện chiến lược bí mật ‘3+3’, thách thức nằm ở 10.000-15.000 bộ phận cần lắp ráp - Ảnh 2.

Foxconn hiện đang thiết lập dây chuyền sản xuất ô tô như một phần của công cuộc chuyển đổi sang sản xuất xe điện.

Sau khi thỏa thuận tiếp quản nhà máy Lordstown Motors hoàn thành, Foxconn bắt đầu tân trang lại hơn 500 cánh tay robot thừa kế từ GM, mua lại máy hàn laser, giàn dập và một số các thiết bị cần thiết phục vụ dây chuyền lắp ráp. Hãng cũng đổi tên nhà máy thành “Foxconn Ohio” như một phần của nỗ lực tách nơi đây khỏi người chủ tiền nhiệm, đồng thời lên kế hoạch sửa đổi xưởng sơn để công nhân có thể bổ sung thêm vật liệu cách âm vào khung xe.

Sau khi mở rộng hoạt động, Foxconn cho biết có thể sản xuất 500.000 ô tô mỗi năm ở Ohio. Để so sánh, Tesla đã sản xuất được khoảng 1,4 triệu ô tô vào năm 2022.

Theo Bloomberg, khoảng 10 khách hàng tiềm năng đã tham gia đàm phán hợp tác cùng Foxconn, trong đó có doanh nhân người Đan Mạch Henrik Fisker. Ông đang nỗ lực xây dựng một công ty xe điện mới sau khi phá sản vào năm 2013, mong muốn có thể chế tạo ra Pear - một chiếc crossover nhỏ dự định bán vào năm 2025.

Theo Yuqian Ding, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ô tô Trung Quốc tại HSBC Qianhai Securities, hoạt động chế tạo ô tô thách thức hơn nhiều so với chế tạo điện thoại. “Nếu có sự cố xảy ra với điện thoại, bạn có thể tái khởi động lại nó. Thế còn ô tô thì sao? Bạn không thể khởi động lại một chiếc ô tô đang chạy với tốc độ 100 dặm một giờ”.

Tham vọng ô tô của Foxconn sẽ còn chặng đường dài để đi. Hiện công ty đang sản xuất MK-V - một chiếc xe nông trại chạy điện tự hành trị giá 89.000 USD được bán bởi Monarch Tractor. Monarch, có trụ sở tại Livermore, California, năm ngoái đã đánh giá 16 nhà sản xuất trước khi chọn Foxconn. Theo đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Mark Schwager, sự kết hợp Foxconn-Lordstown mang lại “kinh nghiệm chế tạo phương tiện trên quy mô lớn”, đồng thời hỗ trợ một lượng lớn lao động mong muốn có việc làm.

Theo CEO Liu, điều hành Foxconn là một công cuộc đấu tranh không ngừng để theo kịp sự phát triển của công nghệ, sau đó là đảm bảo công ty có thể sản xuất phần cứng cần thiết. Trong văn phòng của mình, ông luôn tích trữ sách về ngôn ngữ mã hóa Python, nền tảng trí tuệ nhân tạo ChatGPT và nhiều cuốn AI khác nhau. “Tôi kêu gọi tất cả các nhà quản lý của mình tìm hiểu công nghệ mà họ phụ trách. Họ sẽ hiểu và đưa ra quyết định tốt hơn”, ông Liu nói.

Kế hoạch kinh doanh của Foxconn chủ yếu tận dụng công nghệ mới nổi đồng thời đa dạng hóa khỏi chiếc điện thoại thông minh. Ông Liu gọi chiến lược này là “3+3”. Chữ số đầu tiên đại diện cho các ngành mà ông tin rằng Foxconn cần chinh phục, bao gồm thiết bị chăm sóc sức khỏe, robot và xe điện. Chữ số thứ hai đại diện cho loại công nghệ mà Liu cho là cơ bản, bao gồm AI, chất bán dẫn và viễn thông. Xây dựng thị phần trong bất kỳ lĩnh vực nào trong số đó sẽ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.

Trong lĩnh vực xe điện, Lordstown chỉ là bước khởi đầu. Foxconn đã khởi công một nhà máy xe điện ở Thái Lan vào năm ngoái, với mục tiêu sản lượng hàng năm là 150.000 xe. Công ty cũng đang lên kế hoạch tại Ấn Độ và có thể là Ả Rập Xê-Út.

Manh nha làm ô tô điện của Foxconn: Đang thực hiện chiến lược bí mật ‘3+3’, thách thức nằm ở 10.000-15.000 bộ phận cần lắp ráp - Ảnh 3.

Tham vọng ô tô của Foxconn sẽ còn chặng đường dài để đi.

Tuy nhiên, hồ sơ theo dõi các khách hàng tiềm năng cho thấy Foxconn còn lâu mới có thể thực hiện giấc mơ EV. Ron Harbour, một nhà tư vấn sản xuất công nghiệp độc lập cho biết: “Bạn cần có khả năng sản xuất số lượng lớn. Các công ty ô tô điện mới thành lập thường không thể làm điều này”.

Tháng 9/2022, Foxconn ký một thỏa thuận ban đầu với IndiEV, một công ty khởi nghiệp khác ở California. Triển vọng xây dựng các nguyên mẫu khi đó được Foxconn ví von như một “câu chuyện thành công”, song hiện tại, do hoạt động kinh doanh không mấy khả quan, IndiEV chỉ còn chưa đến 220.000 USD tiền gửi và đứng trước nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “30 chưa phải là Tết”. Những màn hợp tác này vẫn có thể thành công và Foxconn chắc hẳn sẽ tiếp tục tìm thấy các đối tác muốn mua xe điện.

Quay trở lại tháng 6/2018, khi các giám đốc điều hành Foxconn và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất màn hình LCD trị giá 10 tỷ USD. Ông Trump khi đó tuyên bố đây sẽ là “kỳ quan thứ tám của thế giới”.

Tuy nhiên, trong 2 năm tiếp theo, Foxconn liên tục thu hẹp tham vọng. Thay vì tạo ra 13.000 việc làm như đã cam kết, Foxconn phải đàm phán lại hợp đồng với tiểu bang vào năm 2021, cho biết mới chỉ đầu tư hơn 1 tỷ USD và chiêu mộ 1.000 nhân lực.

“Có lý do để lo lắng về những gì sẽ xảy ra với Lordstown”, Michael Shields, chuyên gia nghiên cứu tại Policy Matters Ohio - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên đánh giá tác động kinh tế của hoạt động đầu tư công nghiệp cho biết.

Trước đó, vào ngày 18/10/2022, tại một sự kiện công nghệ ở Đài Loan (Trung Quốc), Foxconn ra mắt mẫu xe thể thao đa dụng (SUV) chạy điện. Loại xe 5 chỗ ngồi này có thể đi được quãng đường 700km trong một lần sạc song khi đó vẫn chưa có thông báo về giá đối với mẫu xe mới này.

Cũng tại sự kiện trên, Foxconn ra mắt mẫu xe thể thao đa dụng crossover Model B và xe bán tải Model V. Foxconn cũng lên kế hoạch sản xuất ô tô và xe buýt điện cho một số thương hiệu tại Trung Quốc, Bắc Mỹ, châu Âu và nhiều thị trường khác với hy vọng lặp lại thành công ở mảng xe điện giống như cách họ sử dụng sức mạnh dây chuyền lắp ráp để trở thành đối tác sản xuất lớn của Apple.

Theo: Bloomberg

Xem thêm: nhc.429642201201132881-par-pal-nac-nahp-ob-00051-00001-o-man-cuht-hcaht-33-tam-ib-coul-neihc-neih-cuht-gnad-nnocxof-auc-neid-ot-o-mal-ahn-hnam/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Manh nha làm ô tô điện của Foxconn: Đang thực hiện chiến lược bí mật ‘3+3’, thách thức nằm ở 10.000-15.000 bộ phận cần l”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools