Tờ Bloomberg bình luận, trong suốt một thập kỷ, Alibaba và Tencent là những ông vua của giới công nghệ Trung Quốc. Cả hai ủng hộ hàng hàng trăm công ty khởi nghiệp, nhưng với yêu cầu, các công ty này chỉ dùng hệ sinh thái của mình.
Tuy nhiên, có vẻ giờ đây, gió đã đảo chiều khi cả hai ông lớn bắt đầu có những bước đi đầu tiên trên con đường "hợp tác cùng nhau". Sự việc này khiến tờ Bloomberg liên tưởng tới một ngày nếu Meta và Google bắt đầu phân luồng lưu lượng truy cập và thanh toán cho nhau.
Alibaba và Tencent cho thấy nhiều tín hiệu bắt tay hợp tác trong những năm gần đây
Tín hiệu hợp tác gần đây nhất là cả Alibaba và Tencent đã bắt tay rót hàng triệu USD vào một cặp công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo là Zhipu và Baichuan.
Những người sáng lập không còn cần phải chọn bên nữa, vì cả "Alibaba và Tencent có vẻ thoải mái đặt cược vào cùng một công ty" nhằm tăng tốc và tận dụng tiềm năng to lớn của các dịch vụ AI giống ChatGPT.
Sự kiện này diễn ra sau thông báo vào tháng 9 rằng, hai gã khổng lồ sẽ hợp tác trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân 11/11 sắp tới. Đây vốn là sự kiện thường niên đặc trưng của Alibaba. Ngày Độc thân trên thực tế đã vượt xa Black Friday về quy mô và mức độ tăng trưởng.
Việc thành lập một liên minh giúp người dùng WeChat của Tencent giờ đây có thể tiếp cận trực tiếp các cửa hàng Taobao của Alibaba. Blooomberg đánh giá, đây là "trò chơi đôi bên cùng có lợi" vì liên minh sẽ đem về nhiều tiền quảng cáo hơn cho Tencent và khối lượng hàng bán ra "khủng" hơn cho Alibaba.
Cả hai hợp tác trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân 11/11 sắp tới
So với quá khứ, những diễn biến này được xem là "đột phá". Trước đây, Alibaba và Tencent từng là "những khu vườn có hàng rào", không khác gì App Store được bảo vệ chặt chẽ của Apple, tờ Bloomberg nhận xét.
Thậm chí cả hai còn ngăn trở việc xâm phạm lãnh địa của nhau. Người tiêu dùng sẽ nhận được một "cảnh báo" trên WeChat mỗi khi nhấp vào liên kết của Taobao. Trong khi đó, Alibaba trong một thời gian dài đã loại trừ WeChat Pay - một trong hai phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến ở Trung Quốc – ra khỏi những ứng dụng của mình.
Người tiêu dùng buộc phải đối mặt với việc "chọn một trong hai" của Alibaba khi ông lớn này quy định không thể bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử khác nếu đã dùng Taobao hoặc Tmall. Việc này góp phần đưa "con cưng" của nhà sáng lập Jack Ma vào cuộc điều tra chống độc quyền và kết thúc với mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vào tháng 4/ 2021.
Việc xóa bỏ tư duy "dựng rào, xây hào" đã được Chính phủ Trung Quốc ủng hộ vì nó thúc đẩy "khả năng kết nối" trong lĩnh vực công nghệ.
Những thay đổi đã bắt đầu được thực hiện dần qua các năm. Vào năm 2021, WeChat lần đầu tiên cho phép người dùng chia sẻ liên kết bên ngoài trong các cuộc trò chuyện trực tiếp. Sau đó các nhóm WeChat được phép hiển thị liên kết đến các trang mua sắm như Tmall và Taobao của Alibaba.
Alibaba và Tencent từng coi như là đối thủ không đội trời chung nhưng nay đã khác
Quá trình hợp tác này hiện đang tăng tốc, một phần vì Alibaba và Tencent dường như không còn xem nhau là "vấn đề đau đầu nhất của nhau".
ByteDance, một kỳ lân thực sự mà cả Alibaba lẫn Tencent đều không biết đến, đã nổi lên như một mối đe dọa ngày càng lớn đối với ông lớn ở mảng kinh doanh Internet.
Ứng dụng video ngắn Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, đã thu hút một lượng lớn người dùng cùng với đó là doanh thu quảng cáo khổng lồ. ByteDance đang mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử và chính thức đang dẫm lên chân lên cả hai gã khổng lồ.
Việc cơ cấu lại mang tính lịch sử khi chia tách làm 6 công ty con cũng khiến các nhà lãnh đạo của tập đoàn này thay đổi tư duy. Bloomberg nhấn mạnh, nếu việc hợp tác mang lại ý nghĩa kinh tế, dù có là đối thủ trước đây, thì đó là con đường những người lãnh đạo tập đoàn theo đuổi. Và trên thực tế, điều này đã xảy ra.
ByteDance đang là một đối thủ vô cùng đáng gờm với cả Alibaba lẫn Tencent
Hơn nữa, cũng theo tờ báo này, trong thời điểm kinh tế Trung Quốc gặp nhiều trở ngại trong quá trình phục hồi hậu đại dịch, "hai gã khổng lồ đang cùng nhau lèo lái" để vượt qua trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Tencent muốn tập trung vào việc "chống lại ByteDance" trong các lĩnh vực như trò chơi điện tử, trong khi Alibaba tập trung vào chiến lược giá thấp nhằm giành lại vị thế đã mất vào tay PDD Holdings Ltd. và các nền tảng như Douyin.
"Đối với các công ty Internet lớn nhất của Trung Quốc, việc đón nhận một kỷ nguyên mới tăng trưởng chậm hơn cũng đồng nghĩa với việc phải hợp tác với nhau", tờ Bloomberg nhận định.
VTV.vn - Theo tờ Financial Times, kể cả khi Eddie Wu thành lập công ty riêng cách đây 8 năm, tỷ phú 48 tuổi chưa từng rời xa, người thầy và người cố vấn Jack Ma.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!