Ngày 2/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 nghi phạm liên quan đến vụ cướp 3,8 tỷ đồng tại chi nhánh Sacombank ở huyện Hóc Môn.
Danh tính những người này gồm: Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, quê Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23 tuổi, quê Vĩnh Long) và Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, quê Bến Tre).
Lên mạng học cách cướp ngân hàng
Kết quả điều tra xác định Nguyễn Ngọc Mỹ, Lâm Phúc Lợi và Nguyễn Thị Bích Tuyền không có công ăn việc làm, lại lâm cảnh nợ nần nên nảy sinh ý định cướp tài sản.
Họ vào nhóm "Những người vỡ nợ muốn làm liều" để làm quen, lập thành nhóm 3 người. Trước khi gây án, nhóm này lên mạng tìm tư liệu về những vụ cướp ngân hàng trước đó để học cách thức gây án cũng như quá trình tẩu thoát và phi tang chứng cứ.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Mỹ và Lợi lên mạng mua 2 khẩu súng, một chiếc xe máy và sơn lại màu xe, còn Tuyền thuê một chiếc ô tô để phục vụ quá trình gây án. Tuyền trước đó không có bằng lái xe nhưng được Mỹ dạy để phục vụ cho mục tiêu đi cướp tài sản.
3 đối tượng đi khảo sát các ngân hàng, tiệm vàng để ra tay. Chúng nhắm đến một ngân hàng ở Bình Dương nhưng sau đó bỏ ý định vì ngân hàng này có đông bảo vệ và khu vực đông dân cư. Nhóm này sang khu vực Hóc Môn và chọn chi nhánh Sacombank trên đường Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, để cướp.
Trước khi thực hiện, nhóm này theo dõi chi nhánh ngân hàng trên trong vòng 2 ngày để nắm được thời gian hoạt động của nhân viên và xe chở tiền.
Sau khi cướp 3,8 tỷ đồng, nhóm nghi phạm đốt xe máy rồi lên ô tô do Tuyền thuê sẵn để tẩu thoát. Số tiền cướp được, nhóm này chia làm 3 phần, Mỹ được 1,5 tỷ đồng, Lợi được 1,3 tỷ đồng còn Tuyền được 1 tỷ đồng. Sau đó, 3 bị can lấy tiền tiêu xài cá nhân, trả nợ, mua sắm iPhone.
Nguy hiểm từ hội "Những người vỡ nợ"
Theo cơ quan điều tra, hội "Những người vỡ nợ…" là nơi để những thành phần xấu giao du, kết nối. Đa số những người tham gia những hội, nhóm này đều "muốn ăn nhưng lười làm".
Họ than vãn về cuộc sống khó khăn, bế tắc về tài chính và sẵn sàng làm những việc phi pháp để kiếm tiền. Do đó, họ cùng chung chí hướng và dễ dàng hòa hợp với nhau cả về tư tưởng lẫn hành động.
Trên thực tế, không ít lần nhưng thành viên của các hội nhóm trên gây ra những vụ án vi phạm pháp luật.
Như hồi cuối tháng 2, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ Huỳnh Đăng Khoa (34 tuổi, quê tỉnh Long An) và Nguyễn Ngọc Quân (27 tuổi, quê tỉnh Thái Bình) khi 2 người này đang chuẩn bị đột nhập vào nhà của một người dân tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn để cướp tài sản.
Cả 2 khai do nợ nần, Khoa và Quân đã tham gia vào nhóm "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều".
Sau đó, Khoa, Quân và 2 người khác làm quen, lên kế hoạch cướp 5 tỷ đồng của một người dân ở khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Để thực hiện hành vi, Khoa phân công cho các đối tượng liên quan chuẩn bị bình xịt hơi cay, bã chó, dây thừng để thực hiện hành vi cướp tài sản. Rất may, vụ việc đã được cảnh sát phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Quay lại với vụ cướp ngân hàng, cảnh sát nhận định các bị can không quen biết nhau, nên họ dễ dàng giấu thân phận để trốn tránh sự truy bắt của cơ quan công an. Khi tham gia vào băng cướp này, chúng cũng cảnh giác lẫn nhau, không trao đổi tên thật cũng như địa chỉ nhà.
"Mỹ khai trước khi cướp ngân hàng, anh ta đã nghĩ đến trường hợp bị cảnh sát bắt giữ. Do đó, anh ta đã lén photocopy chứng minh Lợi, để khi bị bắt có thể khai ra danh tính, địa chỉ đồng bọn, tránh trường hợp một mình gánh tội", một cán bộ điều tra chia sẻ.
Trước thực tế trên, nhà chức trách cho rằng "Hội những người vỡ nợ" tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an ninh trật tự, do đó cơ quan quản lý cần phải giám sát chặt chẽ những hội nhóm này, để từ đó nhận diện sớm tình hình và có kế hoạch đấu tranh kịp thời, hiệu quả.