Sáng 2-11, Bệnh viện K tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Curie - Bệnh viện K tại cơ sở 1.
Tham dự lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc mừng đến thế hệ thầy thuốc, cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện K qua các thời kỳ.
Phó thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà Bệnh viện K đã đạt được trong những năm qua. Bệnh viện tiền thân là Viện Curie Đông Dương, bệnh viện điều trị ung thư đầu tiên ở Đông Dương.
Đến nay, bệnh viện đã phát triển với 3 cơ sở khang trang, hiện đại, áp dụng những kỹ thuật điều trị tiên tiến ngang tầm với nhiều nước phát triển trên thế giới.
Với vai trò là bệnh viện tuyến đầu về điều trị ung thư, Phó thủ tướng đề nghị Bệnh viện K tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cứu chữa người bệnh. Đặc biệt, sàng lọc sớm, phát hiện điều trị ung thư sớm, đẩy mạnh phát hiện ung thư sớm bằng phương pháp khám chữa từ xa, tuyến cơ sở.
Đồng thời, đề nghị bệnh viện tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo, giúp bệnh nhân tiếp cận được với nền y tế hiện đại. Nâng cao hơn nữa việc chỉ đạo, mở rộng các bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện tuyến dưới.
Phó thủ tướng cũng nêu rõ hiện nay Bệnh viện K còn gặp khó khăn về trang thiết bị. "Máy xạ trị rất ít, bệnh nhân phải xạ trị từ 3 - 4h sáng. Tôi đề nghị giám đốc bệnh viện sớm có phương án đầy đủ, bằng mọi nguồn lực để có thêm trang thiết bị phục vụ người bệnh. Trong tháng 11, tháng 12 có kế hoạch báo cáo để các cấp xử lý", ông Hà nói.
Tại lễ kỷ niệm, ông Lê Văn Quảng, giám đốc Bệnh viện K, chia sẻ với trách nhiệm là cơ sở chuyên khoa đầu ngành cả nước, bệnh viện đã xây dựng hình thành mạng lưới phòng, chống ung thư quốc gia, phụ trách chỉ đạo tuyến cho 11 bệnh viện chuyên ngành, 72 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu trên cả nước, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.
Từ những năm đầu tiên khám, điều trị cho 150 bệnh nhân, đến nay Bệnh viện K đã khám chữa bệnh cho hơn 400.000 người dân mỗi năm.
Bệnh viện được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại, phẫu thuật robot, áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong điều trị ung thư…, ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Còn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Quốc hội để kiện toàn hệ thống máy móc cho Bệnh viện K.
"Nếu được thông qua, Quốc hội và Chính phủ sẽ phân bổ cho Bệnh viện K hơn 700 tỉ và nguồn viện trợ 300 tỉ, sẽ là 1.000 tỉ để mua sắm trang thiết bị, giảm bớt những khó khăn về thiếu trang thiết bị của bệnh viện, đảm bảo cho người bệnh", bà Lan cho hay.
Tại lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Viện Curie - Cộng hòa Pháp; Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho 4 chuyên gia quốc tế.
Lịch sử hình thành Viện Curie Đông Dương và Bệnh viện K
Ngày 19-10-1923, Viện Curie Đông Dương được thành lập do luật sư Mourlan phụ trách. Từ ngày 7-6-1926, Viện Curie Đông Đương được đổi tên thành Viện Radium Đông Dương, sau đó viện còn được gọi với một tên gọi khác là Viện Ung thư.
Năm 1959, Viện Radium Đông Dương được bàn giao cho Chính phủ Việt Nam. Viện được sáp nhập vào Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức), trở thành khoa ung bướu của bệnh viện.
Ngày 17-7-1969, Bộ Y tế thành lập Bệnh viện K trên cơ sở khoa ung thư của Bệnh viện Việt Đức. Từ đây ngành nghiên cứu và chữa trị bệnh ung thư Việt Nam cũng đã bắt đầu bước sang giai đoạn mới, góp phần đắc lực trong việc phục vụ sức khỏe nhân dân.
Ba năm trước, tức 97 năm kể từ khi viên gạch đầu tiên được xây Viện Curie Đông Dương, xây năm 1923, nay là Bệnh viện K, Hà Nội, tấm bia đá ghi tên những người đóng góp xây dựng tòa nhà này mới được lật lại lần đầu.