Cuối năm 2019, trong một lần dọn dẹp nhà cửa và phát hiện nhiều quần áo jean vẫn còn tốt nhưng đã lỗi thời, Hải Dương bắt đầu nghĩ tới việc tái chế chúng thành những món đồ có ích. Dương nghĩ ngay đến việc may những chiếc túi xách độc đáo cho riêng mình.
Bất ngờ là khi Dương đăng tải hình ảnh những chiếc túi jean tái chế lên mạng xã hội, có rất nhiều người thích thú và ngỏ ý muốn mua. Nắm bắt nhu cầu đó, Dương đã bắt tay vào thiết kế những chiếc túi jean "không đụng hàng" từ đồ jean cũ bị bỏ đi.
Ban đầu, chị tìm mua đồ jean ở các tiệm quần áo cũ, rồi nhiều người mang những món đồ jean của họ đến nhờ Dương "hô biến" thành túi xách. Chị Dương chia sẻ: "Việc làm này vừa tận dụng được tối đa nguồn vải jean có sẵn, mang lại sản phẩm hay ho cho khách hàng, vừa có thể mang lại kinh tế và hơn hết là góp phần bảo vệ môi trường".
Từ những chiếc túi đầu tiên, Dương bắt đầu tìm tòi cách thức làm ra một sản phẩm túi xách chuyên nghiệp, từ phom dáng đến hoàn thiện các chi tiết. Các sản phẩm túi jean tái chế của Dương đa dạng từ ba lô, túi đeo chéo, ba lô bucket, túi bucket hai dây đeo, túi bầu, túi vuông, ba lô mái vòm, túi tròn…
Nhờ những kiến thức có được từ một lớp học thiết kế thời trang ngắn hạn, cộng với sự khéo léo, sáng tạo, và học hỏi thêm từ Internet, Hải Dương đã cho ra hàng ngàn chiếc túi xách bằng vải jean cũ.
Với Dương, jean (thường gọi là vải bò, rin - PV) là chất liệu thú vị. Chúng vừa khỏe khoắn vừa mềm mại, độ dày, độ chắc của sợi vải và độ bền cao, rất phù hợp làm túi xách. Trên mỗi chiếc quần jean đều có các chi tiết khác nhau, có thể tận dụng tạo ra chi tiết trang trí túi xách mà không mất nhiều công sức suy nghĩ.
Ban đầu do chưa hình dung tổng quát nên chị mất nhiều thời gian để mày mò, học hỏi cách thức. Hơn nữa vì may túi khá dày nên cũng vất vả hơn may quần áo thông thường.
Các loại phụ liệu rất đa dạng nên chọn phụ liệu phù hợp khá khó. Đặt mua vật liệu ở nhiều nơi từ TP.HCM ra Hà Nội để thử nghiệm, cứ mỗi lần sai là mỗi lần Dương rút ra cho mình chỗ chưa hợp lý để hoàn thiện mẫu mã.
Hiện, nhiều người trẻ yêu thích công việc tái chế đã tìm đến Dương theo học. Dương không ngại chỉ bày những điều mình học được từ quá trình tái chế jean. Chị hào hứng "khoe" nhờ mạng xã hội mà đã có một số người Việt ở nước ngoài tìm đến những chiếc túi xách tái chế của mình. Hơn 5.000 chiếc túi xách từ vải jean tái chế đã được Dương đưa ra thị trường trong suốt 4 năm qua.
TTO - Bạn sẽ làm gì với những quần jean cũ của mình? Xé ra làm giẻ lau nhà? Hay vứt đi? Hai anh em Mike và Lynne Stables thông qua công ty Softwalker của mình (ở Anh) muốn chia sẻ ý thức bảo vệ môi trường với mọi người bằng đề nghị tái chế… đồ jean thành giày sandal và lại tiết kiệm được kha khá nữa chứ.