Theo khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm hơn 30 ngân hàng thương mại của phóng viên Dân trí, tính đến ngày 1/11, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình ở mức 5,4%/năm, giảm 0,2 điểm % so với đầu tháng 10 và giảm 3% so với đầu năm.
Lãi suất huy động vẫn tiếp tục trong xu hướng giảm trong nhiều tháng qua. 3 tháng đầu năm mức lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng là trên 8%/năm. Đến quý II, lãi suất giảm về quanh mốc trung bình 7%/năm. Tháng 9, tháng 10 hầu hết ngân hàng niêm yết lãi suất quanh mốc 5-5,5%/năm.
Lãi suất cao nhất 5,9%/năm, thấp nhất 4,2%/năm
Nếu như thời điểm đầu tháng 10, khảo sát ghi nhận có hơn 10 đơn vị niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trên 6%/năm. Thì sang đến đầu tháng 11, không còn nhà băng nào có mức lãi suất trên 6%/năm, trong đó cao nhất là 5,9%/năm, các đơn vị còn lại có lãi suất khoảng 5-5,6%/năm.
Tính riêng kỳ hạn 12 tháng tại quầy, đồng "quán quân" lãi suất huy động hiện là BaoVietBank và CBank, với mức lãi suất 5,9%/năm. Theo sau là DongABank với mức 5,85%/năm, VietABank (5,8%/năm), HDBank, NCB, PVComBank, VietBank, BVBank cùng trả mức lãi suất 5,7%/năm.
Ở hướng ngược lại, nhiều nhà băng đã hạ lãi suất thấp hơn mức mà nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) đang niêm yết.
Trong đó, nhóm ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất gồm ABBank (4,2%/năm), SeABank (4,9%/năm), MSB (5,1%/năm), Techcombank (5,2%/năm).
Nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank có lãi suất 12 tháng ở mức 5,1%/năm, 9 tháng và 6 tháng ở mức 4,1%/năm, 3 tháng giảm về 3,1%/năm, 1 tháng là 2,8%/năm.
So với tháng trước, Agribank, BIDV, và VietinBank đã hạ lãi suất 0,2% ở các kỳ hạn 3-6-9-12 tháng. Kỳ hạn 1 tháng là 3%/năm, 3 tháng là 3,3%/năm, 6 tháng và 9 tháng ở mức 4,3%/năm, 12 tháng là 5,3%/năm.
Gửi trăm tỷ, nghìn tỷ đồng mới có lãi suất cao 9-10%/năm
Bên cạnh xu hướng giảm lãi suất, nhiều ngân hàng vẫn "tung" các gói ưu đãi lãi suất đối với khoản tiền gửi lớn từ trăm tỷ đồng, đến hàng nghìn tỷ đồng.
PVComBank áp dụng mức lãi suất 10,5%/năm (đầu tháng 10 là 11%/năm) đối với khoản tiền gửi trên 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 12, 13 tháng. Mức lãi suất này đã được ngân hàng niêm yết nhiều tháng qua. Lãi suất trên cũng là mức lãi suất cơ sở để xác định lãi vay.
Tương tự, sổ tiết kiệm mở mới từ 500 tỷ đồng trở lên tại MSB, kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất 9%/năm, dưới 500 tỷ đồng lãi suất ở mức 5,1%/năm.
HDBank tiếp tục áp dụng lãi suất 8,2%/năm kỳ hạn 12 tháng, 8,6%/năm kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 300 tỷ đồng. Gửi trên 200 tỷ đồng tại DongABank kỳ hạn 13 tháng, lãi suất áp dụng 8%/năm.
Lãi suất huy động đã ở mức đáy?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định lãi suất huy động hiện đã ở mức đáy, thấp nhất trong lịch sử, và khó có thể giảm sâu thêm.
Ông Huân dự báo lãi suất cho vay thời gian tới sẽ còn giảm tiếp, nhưng sẽ giảm chậm hơn lãi suất huy động. Việc giảm lãi suất mạnh sẽ có thể chỉ xảy ra tại các ngân hàng lớn, còn những ngân hàng nhỏ có giảm cũng không quá nhiều, vì nếu giảm nhiều sẽ làm cho những ngân hàng này kém hấp dẫn hơn.
Dưới góc độ là một công ty chứng khoán, VnDirect nhận định động thái phát hành tín phiếu gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khó có khả năng làm đảo ngược xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu.
Công ty chứng khoán này nhận định, nếu áp lực từ tỷ giá càng lớn, thì càng ít dư địa cho cơ quan quản lý tiền tệ tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Đơn vị này cho rằng NHNN sẽ tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024, do NHNN cần cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng.
Nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức bình quân 5,4%/năm trong thời gian còn lại của năm 2023. Lãi suất cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm đến cuối năm nay nhờ chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại giảm nhanh.