Cách trung tâm tài chính của Ấn Độ khoảng 2 giờ lái xe, khu vực Karjat bỗng nhiên đón nhận dòng tiền ồ ạt chảy đến.
Theo Mihir Thaker, kiến trúc sư thiết kế nhà nghỉ dưỡng tại khu vực nghỉ dưỡng cuối tuần của các triệu phú mới nổi ở Mumbai, giá 1m2 đất là khoảng 30.000 USD, tăng gấp đôi trong 4 năm.
Mức giá này thậm chí còn đắt hơn ở Alibag, khu nghỉ dưỡng ven biển được gọi là Hamptons của Mumbai. Ở đây, một số người sẵn sàng chi gần 5 triệu USD để mua những ngôi nhà nghỉ dưỡng cuối tuần, với đầy đủ tiện nghi gồm hồ bơi kiểu thuỷ cung và nơi tổ chức tiệc tùng.
Có thể thấy, sức chi tiêu đang tăng mạnh mẽ ở Ấn Độ, một trong những quốc gia có số lượng người sở hữu tài sản 100 triệu USD tăng nhanh nhất thế giới. Khi đà tăng trưởng của Trung Quốc chững lại và giới tỷ phú gặp nhiều khó khăn, Ấn Độ đang dần trở thành “điểm đến hấp dẫn mới” của châu Á đối với hoạt động chi tiêu đồ xa xỉ, nhờ TTCK tăng ổn định và đầu tư nước ngoài tăng vọt.
Các biện pháp kiểm soát vốn gắt gao khiến nhiều người thuộc nhóm thượng lưu ở nước này phải chi tiêu trong nước. Theo đó, các công ty toàn cầu phục vụ giới siêu giàu cũng ồ ạt kéo đến nơi này. Dù giới nhà giàu Ấn Độ thường đi châu Âu để mua sắm và nghỉ dưỡng, nhưng nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm như túi xách hiệu hay second home đã tăng tốc kể từ sau đại dịch.
Từ lâu, Ấn Độ đã là nơi “sản sinh” ra những vị tỷ phú giàu nhất nhì khu vực. Ông trùm ngành lọc dầu Mukesh Ambani là người giàu nhất châu Á. Ông sở hữu toà tháp 27 tầng ở Mumbai và thường được gọi là ngôi nhà đắt nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ phú Gautam Adani giàu thứ 2 châu Á.
Tuy nhiên, một lớp doanh nhân, giám đốc điều hành và trader giàu có cũng đang chi tiêu mạnh, không kém gì một số “ông trùm”. Hàng năm, các câu lạc bộ của giới tinh hoa đều được mở ra tại Mumbai.
Trong bối cảnh đó, nhà băng Thuỵ Sĩ Julius Baer Group và hãng đồng hồ Rolex cũng đang “săn lùng” khách hàng mới ở các thành phố hạng 2 như Mumbai. HSBC cũng đã quay trở lại Ấn Độ sau khoảng 7 năm gián đoạn.
Vijay KG, nhà sáng lập cửa hàng bán đồ xa xỉ online Luxepolis của Ấn Độ vào năm 2014, cho hay: “Việc mua sắm đồ hạng sang không còn chỉ là thói quen của nhóm nhỏ những người siêu giàu.”
Ấn Độ có quy định giới hạn số tiền mà người giàu có thể mang ra khỏi quốc gia này. Mỗi cá nhân chỉ có thể chuyển khoảng 250.000 USD/năm và từ tháng này, các giao dịch đó sẽ bị áp thuế 20%, ngoại trừ chi phí giáo dục và y tế.
Nhờ đó, doanh số bán ô tô hạng sang ở nước này tăng 22% trong năm 2022 so với năm trước. Mercedes Benz E-Class là dòng xe dẫn đầu doanh số bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2023.
Sự nổi lên của nhóm người giàu mới đã thu hút các ngân hàng tư nhân cùng các quỹ hàng đầu Phố Wall như Apollo Global Management Inc. và Carlyle Group Inc. Họ đã mở rộng quy mô hoạt động tại Ấn Độ khi quốc gia này có lợi thế về địa chính trị.
Mỹ và các đồng minh đang dành nhiều lời “có cánh” cho Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc leo thang. Cùng với đó, Thủ tướng Narendra Modi cũng đưa ra nhiều nỗ lực để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài HSBC, các nhà quản lý tài sản khác cũng đang mở rộng ra ngoài các thành phố lớn như Mumbai hay Delhi. LGT Wealth India, được hoàng gia Liechtenstein hậu thuẫn, có 14 văn phòng ở khắp Ấn Độ và có kế hoạch tăng quy mô ở Lucknow, trung tâm của Uttar Pradesh, bang đông dân nhất nước này. Julius Baer cũng tăng số lượng văn phòng từ 7 lên 10.
Không chỉ riêng các ngân hàng mới nhận thấy tiềm năng của quốc gia Nam Á này. Vào một ngày thứ Tư cuối tháng 9, bãi đậu xe bên ngoài trung tâm thương mại DLF Emporio ở New Delhi đều chật cứng xe BMW và Mercedes. Một phụ nữ mặc chiếc váy hàng hiệu đã lái xe từ thị trấn cách đó gần 5 giờ để mua sắm cho dịp sinh nhật sắp tới. Cô chi 7.200 USD tiền mặt để mua 2 chiếc túi xách Louis Vuitton, sau đó đến Hugo Boss.
Bên trong trung tâm mua sắm DLF Emporio ở New Delhi.
Bên trong trung tâm thương mại, cửa hàng Rolex đặt biển “cháy hàng” và danh sách chờ đối với một số dòng đồng hồ kéo dài tới 18 tháng. Những chiếc đồng hồ bằng vàng có giá lên tới 28.000 USD được “săn lùng” nhiều nhất.
Bulgari đang lên kế hoạch tổ chức triển lãm đồng hồ và trang sức tại Lucknow. Trong khi đó, thương hiệu xa xỉ Lotus de Vivre của Thái Lan chuẩn bị cho một cuộc triển lãm vào đầu năm tới tại Ludhiana. Một chiếc túi xách lụa Nhật Bản với hoạ tiết lấy cảm hứng từ con công, được đính kim cương và ngọc bích có thể có giá khoảng 57.750 USD.
Trong khi đó, các câu lạc bộ riêng cho giới siêu giàu cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Vivek Narain, người sáng lập Quorum Club vào năm 2018, cho biết số lượng thành viên đã tăng gấp 10 lần so với trước đại dịch, lên khoảng 2.500 đến 3.000 trên khắp các địa điểm ở Mumbai và Delhi.
Sảnh lễ tân của câu lạc bộ Quorum.
Narain, cựu banker Phố Wall, chia sẻ, các giám đốc cấp cao của ngân hàng hay công ty dịch vụ tài chính, nhà sáng lập startup đều là khách quen của ông.
Ở những câu lạc bộ như vậy, danh sách chờ để gia nhập có đôi khi có thể kéo dài hàng năm. Tại Jolie’s ở Mumbai, câu lạc bộ bắt đầu hoạt động vào năm 2021, các thành viên được bảo quản xì gà của họ trong một căn hầm đặc biệt và khách được chiêu đãi một ly rượu cognac trị giá 590 USD.