Sáng ngày 27/10, Liên doanh Tổng công ty Ba Son - Công ty Cổ phần Xây lắp SRE đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược các dự án điện gió ngoài khơi với Công ty SK Oceanplant - thành viên của tập đoàn SK, tập đoàn lớn thứ 3 tại Hàn Quốc.
Trước đó, SK Group được biết đến là một trong những tập đoàn đầu tư lớn trong các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Cụ thể, SK đã đầu tư 470 triệu USD mua 9,4% cổ phần của Masan Group và 1 tỷ USD cho 6% cổ phần Vingroup. Vào cuối năm 2011, SK bỏ ra 340 triệu USD để mua 4,9% cổ phần của The CrownX - công ty con của Masan, sở hữu Masan Consumer Holding (MCH) và Wincomerce.
SK cũng tuyên bố đầu tư 100 triệu USD vào chuỗi nhà thuốc Pharmacity. Cùng tại mảng dược, theo báo cáo tài chính quý 1/2023, Tập đoàn này nắm 64,79% vốn của một công ty sản xuất thuốc lớn là Imexpharm (IMP).
Ngoài các thương vụ lớn trên, một công ty con khác của SK là SK Energy còn nắm hơn 5% cổ phần của PV Oil, trị giá gần 30 triệu USD.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (Ảnh: Ba Son Shipyard)
Trước đó, trong tháng 6, SKC đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với thành phố Hải Phòng để tìm hiểu môi trường đầu tư cho vật liệu bán dẫn tiên tiến, pin thứ cấp và một số loại vật liệu khác thân thiện với môi trường.
Đến tháng 9, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thông báo sẽ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao ECOVANCE của tập đoàn SK (Hàn Quốc). Dự án có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học PBAT, PBS, PBATS trên diện tích hơn 32.000 m2 tại khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng I.
Hiện nay, SK là tập đoàn kinh tế đa ngành nghề có giá trị vốn hóa thị trường gần 63 tỷ USD, đứng thứ ba tại Hàn Quốc sau Samsung và LG và mới đây SK vừa được vinh danh trong danh sách 100 công ty có ảnh hưởng nhất năm 2023 của TIME. Thế mạnh của Tập đoàn đang là các lĩnh vực Năng lượng, Dược phẩm - Y tế, Logistics và công nghệ thông tin truyền thông (ICT).
Còn Tổng công ty Ba Son (Xí nghiệp Liên hợp Ba Son) tiền thân là Xưởng Ba Son được thành lập năm 1863.
Theo giới thiệu trên website, Ba Son là đơn vị tiên phong của ngành cơ khí đóng tàu Việt Nam và khu vực, đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đóng tàu chiến đấu hiện đại công nghệ cao (tàu tên lửa), đã thành công trong đóng mới, cải hoán nhiều loại tàu chiến đấu và tàu chuyên dụng cho quân đội và khách hàng trong nước và quốc tế.
Lĩnh vực hoạt động của Ba Son bao gồm: Đóng và sửa chữa tàu/phương tiện nổi bằng vỏ thép, vỏ nhôm, vỏ gỗ, vỏ composite,…; Gia công chế tạo kết cấu, siêu trường, siêu trọng, thiết bị điện gió; Cung cấp dịch vụ Logistics, dịch vụ hàng hải; Sản xuất sơn công nghiệp, sơn tàu biển; và Các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác (kinh doanh vật tư thiết bị, nguyên nhiên liệu, bất động sản, nhà hàng - khách sạn,…).
Ba Son có năng lực đóng mới các loại tàu đến 12.500 DWT, sửa chữa các loại tàu chuyên dụng, tàu vận tải, tàu du lịch,... đến 150.000 DWT, sản xuất các loại sơn với công suất hàng năm trên 10 triệu lit.
Tổng công ty đã đóng thành công cặp tàu pháo TP.01 và TP.01M đầu tiên của Việt Nam; đóng thành công tàu tên lửa PS500 đầu tiên của Việt Nam; và đóng thành công 06 tàu tên lửa hiện đại lớp Molniya đầu tiên của Việt Nam.
Tàu tên lửa lớp Molniya (Ảnh: Ba Son Shipyard)
Đồng thời, thực hiện thành công các gói thầu thi công đa dạng như gia công và lắp dựng kết cấu thép, hệ thống ống, lắp đặt thiết bị cho các công trình, nhà máy, … sửa chữa nâng cấp công trình, đặc biệt là các dự án Nhà giàn DK.
Ngoài ra, Ba Son còn đóng và sửa chữa các loại tàu vận tải biển, gia công kết cấu, siêu trường, siêu trọng, gia công trụ điện gió, Logisitics,… đáp ứng yêu cầu của khách hàng kinh tế trong và ngoài nước. Bên cạnh thị trường nội địa, thị trường của Ba Son mở rộng sang nhiều nước như: Nga, Ucraina, Đan Mạch, Thụy sĩ, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, ...