S&P Global Market Intelligence vừa cập nhật Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 10-2023. Theo đó, ngành sản xuất Việt Nam đạt mức 49,6 điểm.
Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế S&P Global Market Intelligence, dữ liệu chỉ số PMI cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng.
Có một số tin tức tích cực hơn về việc làm khi thời kỳ giảm việc làm kéo dài bảy tháng đã kết thúc. Điều này cùng với hoạt động mua hàng tăng và tâm lý lạc quan cho thấy các công ty đang tin tưởng hơn rằng sự cải thiện nhu cầu mới đây sẽ được duy trì trong những tháng tới.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital đánh giá, GDP của Việt Nam sẽ phục hồi lên 6,5% trong năm 2024 nhờ phục hồi trong xuất khẩu.
Điều này sẽ đi kèm với sự phục hồi sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam từ mức không tăng trưởng năm 2023 lên tăng trưởng 8-9% vào năm 2024 so với mức tăng trưởng trung bình dài hạn 12% của ngành này trước COVID-19.
Sự lạc quan của VinaCapital về phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024 dựa trên một số yếu tố. Đơn cử như các nhà bán lẻ Mỹ và các công ty tiêu dùng khác đã tích lũy quá nhiều hàng hóa vào năm 2022 khi các công ty này đã đặt hàng quá mức trong thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 vào năm 2021 và kỳ vọng bùng nổ chi tiêu sau dịch đã không diễn ra như mong đợi.
Thay vì mua nhiều sản phẩm hơn khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, người tiêu dùng lại đổ tiền vào các dịch vụ như du lịch và ăn uống ở ngoài.
Do vậy, các công ty ở Mỹ đã phải giải quyết lượng hàng tồn kho này trong suốt năm 2023. Đây là yếu tố chính gây sụt giảm xuất khẩu và sản lượng sản xuất của Việt Nam trong năm nay.
Tuy nhiên, rất nhiều dữ liệu cho thấy hiện tượng này sắp kết thúc và các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi.
Giá vàng đã được 'giải cứu'
(PLO)- Việc tiếp tục ngừng tăng lãi suất của Mỹ đã giúp giá vàng ổn định.