vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ cuối: Gặp lại những gia đình "thủ lĩnh" Fulro ở rừng về

2023-11-03 13:37

Nhà ông Tuné Đen ở xã Đa Quyn (tách ra từ xã Tà Năng), thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Từ trung tâm huyện Đức Trọng vào đến nhà ông Tuné Đen khoảng trên 50 cây số, đường trải nhựa rộng 10m thênh thang; khoảng 2km vào đến nhà ông là đường đất, gặp mùa mưa lầy lội rất khó đi. Tuné là một họ lớn của đồng bào dân tộc Chu Ru ở các huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng).

Đây là lần thứ 4 chúng tôi trở lại nhà ông Tuné Đen, tính cả trước và sau khi ông mất. Từ xa, mộ ông Tuné Đen hoành tráng, hiện sừng sừng bên đồi rẫy rộng gần 12ha của gia đình. Vợ ông, bà Kiều Thị Hương vẫn rất trẻ trung, vui vẻ tiếp chuyện với chúng tôi.

Bà Hương kể, họ có tổng cộng 7 người con, trong đó 6 đứa sinh trong rừng thì có 2 đứa đã mất bởi rừng thiêng nước độc, 1 đứa con gái út là kỷ niệm sau khi cả hai đã về hàng cách mạng. Từ 6ha cà phê ban đầu được Nhà nước cấp và khai phá thêm, hiện nay, gia đình ông Đen có tổng cộng 12ha cà phê, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Các con của họ đều được ăn học đàng hoàng và đã lập gia đình; trong đó, con rể thứ 3 của vợ chồng bà Hương từng là công an xã, con rể út là người Kinh. Bà Hương thay chồng thực hiện di chúc chia đều tài sản, đất vườn cho con cháu. Bà có 11 cháu nội, ngoại. Bà kể lại, sau khi trở về, bà được bố trí dạy học ở trường làng và mở lớp xóa mù chữ tại nhà riêng.

Rời nhà ông Tuné Đen, chúng tôi đến xã Ninh Gia, qua đồng chí Trưởng Công an xã, gặp ông Tam Busun (SN 1957), nguyên thiếu tá, phó tư lệnh quân khu 4 Fulro. Ông Tam Busun cho biết: "Bố tôi làm cán bộ của chế độ VNCH. Cách mạng về, nghe những người theo Fulro tuyên truyền, sợ bị bộ đội bắn, giết nên tôi chạy vào rừng theo Fulro, có lúc làm đội trưởng đội bảo vệ cho ông Nahria Ya Duk (SN 1940), nguyên đệ nhất phó thủ tướng Fulro; sau này tôi được phong thiếu tá, phó tư lệnh quân khu 4...".

Gia đình ông KSờn bên căn nhà mới

Tôi vào rừng tháng 10/1974. Ngày 26/3/1987, Công an tỉnh Lâm Đồng phát động kêu gọi Fulro về hàng, tôi trình diện tại Công an huyện Di Linh.

Tôi nhớ những năm tháng mình lầm lạc, theo tổ chức Fulro, sống khổ sở, chui lủi trong rừng, thiếu thốn đủ thứ. Nhiều khi đói quá phải mò ra rừng trộm khoai, bắp của bà con ăn chống đói. Sau khi về hàng, tôi theo Công an Lâm Đồng đi phát động, tuyên truyền, kêu gọi Fulro về hàng ở Thuận Hải (sau tách thành 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận) cả năm trời. Khoảng 8 tháng sau, Fulro lẩn trốn dọc dãy rừng Di Linh, Đơn Dương (chưa có huyện Đức Trọng), Thuận Hải về hết, khoảng 70 - 80 người. Sau này, tôi làm dân quân tự vệ, lo việc giữ gìn an ninh và giúp Công an xã Ninh Gia làm hộ khẩu cho bà con, vì tiếng và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số cán bộ chưa quen. Hồi theo Fulro ở rừng, tôi cùng một toán 30 - 40 người mất 15 ngày đi bộ ròng rã để sang Campuchia, có giao liên dẫn đường và Pôn-pốt đón. Qua tới bên đó, thấy Pôn-pốt, Fulro đều ở lán trại trong rừng, đói khổ lắm. Tôi về hàng là sự may mắn của đời tôi, tôi làm tất cả những gì có thể làm với dòng tộc, xã hội, gia đình để chuộc lỗi lầm.

Ông TamBusun tìm lại những hình ảnh tham gia gặp gỡ các già làng, trưởng thôn do Công an Lâm Đồng và Bộ Công an tổ chức để tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Ông Tam Busun hiện tự đi lại bằng nạng, dáng dấp nghệ sĩ, tính tình ôn hòa, điềm đạm như chúng tôi đã từng tiếp xúc khi ông còn làm việc ở Công an xã Ninh Gia, vào đầu những năm 2000. Thời điểm đó, từ sự chỉ đạo của Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện Đức Trọng và chính quyền cấp xã, chọn xã Ninh Gia làm xã điểm về mô hình dân quân tự vệ, chủ động công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh TTXH; trong đó, có sự đóng góp tích cực của ông TamBusun vào công tác bảo vệ trật tự an toàn, an ninh xã hội, giúp xã Ninh Gia nhận được Cờ thi đua của Chính phủ và Bộ Công an trong phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chúng tôi hỏi, vừa rồi vụ khủng bố ở Đắk Lắk, có Fulro đến rủ rê ông không? Ông Tam Busun nghiêm nét mặt: "Không có. Đất nước ổn định thế này, không lo làm ăn. Theo Fulro để được gì. Chỉ có mất mát...".

Một ngày sau đó, chúng tôi tìm gặp lại gia đình ông KSờn. Căn nhà đầu tiên chúng tôi dừng chân là nhà cô Ka Brin (SN 1989), cô bé "Fulro nhí” năm nào giờ đã làm vợ, là mẹ 4 đứa con (1 gái, 3 trai) đảm đang, tháo vát. Brin lấy chồng ở ngay trung tâm thị trấn Lộc Thắng, được nhà chồng cho đất, cất căn nhà xây khang trang ở riêng. Vợ chồng Ka Brin còn được nhà chồng cho đất trồng chè, cà phê nên cuộc sống khấm khá. Chồng Brin là anh KLý (SN 1977) cũng ở nhà, nụ cười hiền hậu, vui vẻ.

Hỏi cô còn nhớ chuyện khi mới được đưa từ rừng về Công an huyện Bảo Lâm năm 1998, thấy cái tivi thì sợ, Brin cười: "Em vẫn nghe bố mẹ với mấy chú kể. Cả cậu em KNison cũng lấy chuyện này chọc em hoài. Lúc đó em đã 9 tuổi nên em vẫn còn nhớ. Lúc mới ở rừng ra em rất sợ cái tivi, sau đó nghe bố nuôi với mẹ giải thích, em hết sợ, rồi "nghiện" nó nữa. (cười tươi!)

Đón chúng tôi, ông KSờn mái tóc bạc phơ, nhưng trông còn rất trẻ khỏe, cười rạng rỡ, cùng vợ con ôn lại 21 năm ở rừng rồi nhẩm tính: "Chúng tôi trở về nay đã tròn 25 năm, nhưng ký ức ở rừng mãi không bao giờ quên". Ông kể về việc đã chế tác lửa và dao ra sao để có thể đào củ mài, chặt cây làm nhà, đốt lửa nấu thức ăn, sưởi ấm. Ông KSờn kể lại việc làm thợ rèn ở trong rừng, chế tác ra hàng loạt con dao lớn bé, từ lửa và đá. Ông nhớ những mảnh đá có thể dùng bùi nhùi, bông gòn (phơi khô) đập vào nhau tạo lửa và cho đó là một "phát minh" khiến ông thấy mình "không tệ chút nào", rồi cười sảng khoái. Nhưng khi nhắc đến những cái chết khốn khổ vì bị đói, bị phù thũng khắp mặt, chân tay, rồi phải bỏ mạng của nhiều Fulro trong rừng và cả khi về hàng cách mạng vì không có muối, phải chịu cảnh ăn nhạt suốt nhiều năm, sinh ra nhiều bệnh tật; nhớ lại cảnh thiếu thốn, khổ hạnh của vợ con và 2 ông KLãi, KỚt cùng ở rừng, giọng ông KSờn trầm buồn, rơi nước mắt.

Ngôi nhà của bà Hương - ông Tuné Đen rộng rãi trên diện tích cả hécta

Kể về con gái đầu lòng, bà Ka Lòng cho biết, Ka Brin học rất giỏi, năm nào cũng được học sinh tiên tiến, rất có hiếu, biết giúp đỡ mẹ cha, gia đình từ nhỏ. Vì bố mẹ khó khăn, Brin phải nghỉ học sớm, phụ giúp bố mẹ nuôi 2 em nhỏ ăn học. KNissơn thì được bố khoe vẽ rất giỏi. Bé út Ka Ely Sapét (SN 1999) được sinh ra sau khi ông bà trở về, rất ham học, học giỏi, hết cấp 3 muốn đi Nhật du học, nhưng bố mẹ không đủ tiền vì vừa xây nhà mới nên cô bé đành gác lại giấc mơ và mới "bắt chồng" (lấy chồng) cách đây mấy tháng. Trước đó, hộ ông KSờn ở ngôi nhà xây cấp 4, rộng 30m2 ở thôn Tân Rai, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Đây là căn nhà được Nhà nước cấp theo dạng nhà tình thương. Các con khôn lớn, ông bà xây thêm nhà mới cạnh bên.

"Nhà mình được cấp hơn 2 ha đất, trồng chè và cà phê, hiện còn 5 sào đất tốt; được Hội nông dân cho vay vốn, cán bộ và bà con hướng dẫn kỹ thuật, cây trồng cho năng suất cao, cuộc sống ổn định, con cái được đi học. Có được ngày hôm nay, gia đình mình biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm, không còn cảnh đói khổ, không biết sống, chết lúc nào như hồi theo Fulro", ông KSờn vừa kể vừa rơi những giọt nước mắt hạnh phúc.

Chúng tôi hỏi và muốn đi thăm các ông KỚt, KLãi (cùng toán Fulro cuối cùng trở về với gia đình ông KSờn), vợ chồng ông bà cho biết: Còn KLong Nhão - nguyên thiếu tá, tỉnh trưởng tỉnh Run Ka, Long Khánh được Công an huyện Bảo Lâm, Công an Lâm Đồng truy quét đưa về năm 1996, đã mất 1 - 2 năm sau đó vì bị phù thũng, yếu gan. Các ông KLãi, KỚt khi trở về đều được Nhà nước cấp nhà "tình thương" cùng mỗi người 2ha đất như hộ ông KSờn. Nhưng sau họ bán dần để lấy tiền nuôi con ăn học, đầu tư vườn; người mua thêm đất canh tác, làm của hồi môn cho con. Hầu hết những người theo Fulro ngày ấy giờ đều có cuộc sống ổn định, an phận. Nhắc đến những thời kỳ theo Fulro, họ đều khẳng định, đó là những thời kỳ đen tối nhất. Có người tự nguyện, người bị bắt đi, nhưng kết cục đều là những năm tháng "sống không ra sống". May được chính quyền, bà con dang tay đón trở về. Họ không muốn bà con, dòng tộc vì thiếu hiểu biết đi theo "vết xe đổ” của họ.

Những bức thư do các thủ lĩnh, tướng tá Fulro, sau khi bị bắt hoặc trở về hàng cách mạng đã viết để gửi vào rừng kêu gọi đồng bào, anh em trở về xây dựng buôn làng. Ảnh tư liệu

Hiện, nhiều người khá giả, giàu có, con cái được ăn học, làm cán bộ cấp xã, huyện. Nhiều người trong số đó trở thành cán bộ, có người trở thành lãnh đạo (như ông Nahria Ya Duk - nguyên đệ nhất phó thủ tướng Fulro, sau làm Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Viện Nam tại tỉnh Lâm Đồng, Đại biểu Quốc hội hai khoá XII, XII). Họ còn là nông dân sản xuất giỏi, công dân gương mẫu trong phong trào Quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc, hoặc tiếp tục phát huy tài trí, uy tín của mình, làm đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trong cơ cấu chính quyền.

Kỳ 4: Từ bỏ con đường sai trái
(CATP) Fulro thường tỏa ra đóng quân trong những cánh rừng giáp các trục giao thông, các làng xã vùng sâu, đợi thời cơ bắn phá, cướp bóc, bắt cóc và giết hại dân lành. Liên tiếp những năm sau ngày giải phóng, CA tỉnh Lâm Đồng bằng nhiều biện pháp đã làm tan rã bộ máy vùng 4 chiến thuật của Fulro, bằng việc áp dụng chính sách khoan hồng, nhân đạo và kêu gọi hàng vạn cán binh Fulro ra hàng, khoan dung để những sĩ quan, binh lính Fulro được trở về với gia đình, buôn làng, dòng họ. Nhờ vậy, Tây Nguyên đã thật sự bình an sau năm 1998 - khi các nhóm Fulro có vũ trang đã mang súng đạn, cung nỏ ra hàng.
 
VĂN LONG - NGỌC HÀ

Xem thêm: lmth.028451_ev-gnur-o-orluf-hnil-uht-hnid-aig-gnuhn-ial-pag-iouc-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Kỳ cuối: Gặp lại những gia đình "thủ lĩnh" Fulro ở rừng về”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools