Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản, Ban quản lý các dự án đường thủy là chủ đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn.
Dự án có mục tiêu cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông - Tây kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Để xóa bỏ các điểm nghẽn trên hành lang Đông - Tây qua sông Hậu (TP Cần Thơ), sông Trà Ôn, sông Mang Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp (TP.HCM), dự án sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600 tấn, tàu 3 lớp container lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông.
Để xóa bỏ các điểm nghẽn trên hành lang Bắc - Nam qua sông Đồng Nai (cảng Đồng Nai), sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua, sông Gò Gia, sông Thị Vải (cụm cảng Cái Mép - Thị Vải), dự án sẽ cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.
Địa điểm thực hiện dự án tại các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai sẽ nạo vét luồng trên các tuyến sông Trà Ôn, sông Mang Thít, kênh Chợ Lách, rạch Kỳ Hôn, rạch Lá và sông Tắc Cua phù hợp với quy mô đầu tư; xây dựng 12 khu vực chứa vật thải nạo vét với tổng diện tích khoảng 145,7ha; xây kè bảo vệ bờ tại các vị trí sau khi nạo vét luồng có nguy cơ gây sạt lở bờ; xây cầu Chợ Lách 2 tại thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre); xây dựng khoảng 4,5km đường dân sinh đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp A và cấp C…
Trong tổng mức đầu tư gần 3.900 tỉ đồng của dự án có hơn 2.550 tỉ đồng vốn vay Ngân hàng Thế giới cho chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công. Còn lại hơn 1.330 tỉ đồng là vốn đối ứng từ ngân sách.
Thời gian thực hiện dự án là 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2023 đến năm 2027.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm ít nhất 5 tuyến giao thông đường thủy.