Đây là cảnh báo được ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH vận tải Kumho Samco nêu ra trong buổi gặp gỡ, trao đổi giữa Sở GTVT TP.HCM với các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô sáng 3.11.
Hiện nhiều nhà xe quảng cáo trên mạng về loại hình xe giường nằm đôi có thể dành cho 2 người sử dụng cùng lúc. "Bản chất đây là xe 22 giường, nhưng chở hơn 40 khách. Thanh tra giao thông kiểm tra một vài doanh nghiệp đang quảng cáo trên mạng là thấy ngay chở quá tải", ông Tuấn nói, đồng thời đánh giá loại xe giường nằm đôi rất nguy hiểm khi lưu thông.
Về tình trạng "xe dù bến cóc", ông Tuấn cho rằng cần xử lý nghiêm các xe khách đăng ký kinh doanh hợp đồng nhưng chạy theo tuyến cố định. Ông Tuấn đánh giá việc quản lý xe hợp đồng thời gian qua bị thả lỏng, thiếu chặt chẽ khiến xe chạy tuyến cố định trong bến xe lèo tèo vài chiếc.
Ông Tuấn cho rằng chỉ xử phạt và rút giấy phép kinh doanh vẫn chưa nghiêm, mà cần xem xét dấu hiệu trốn thuế, khởi tố một vài doanh nghiệp thì sẽ tạo chuyển biến rõ rệt.
Có nên cấm xe giường nằm vào nội đô?
Trước câu hỏi của Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm có nên cấm xe giường nằm 24/24 giờ hay không, ông Tuấn đồng tình đề xuất này. "Nếu cấm thì cấm hết, bởi xe giường nằm chạy vào trung tâm hầu hết là tuyến cố định", ông nói thêm.
Theo phân tích của đại diện Công ty Kumho Samco, lộ trình các tuyến xe về miền Trung, Tây Nguyên kéo dài 6 - 8 giờ và thường xuất phát vào ban đêm. Hiện những xe này vẫn chạy vào trung tâm TP.HCM bình thường trong khung giờ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.
"Họ cố gắng vào trung tâm thành phố trước 6 giờ sáng nên phải chạy nhanh hơn, nguy cơ gây tai nạn", ông Tuấn nói và dẫn chứng nhiều xe chạy tuyến Nha Trang, Đà Lạt vẫn chạy vào trung tâm. Dù vậy, cấm xe giường nằm vào nội đô chỉ là 1 giải pháp để kiểm soát xe dù bến cóc.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM, cho biết vừa qua Sở đã lấy ý kiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp vận tải về đề xuất cấm xe khách giường nằm vào nội đô 24/24 giờ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vận tải cho rằng cần cân nhắc nên Sở chưa triển khai ngay, và sẽ phối hợp để đánh giá toàn diện trước khi quyết định.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho rằng cần phân cấp quản lý dữ liệu hành trình, camera về Sở GTVT các địa phương ít nhất 1 tháng/lần tiến tới 1 tuần/lần. "Đầu tư cả ngàn tỉ đồng mà 3 tháng sau mới có dữ liệu thì làm được cái gì", ông Tính dẫn chứng.
Ngoài ra, ông Tính cũng đề nghị tăng cường vai trò của Ban An toàn giao thông, xác định trách nhiệm của bộ 3 "chính quyền địa phương, công an, Sở GTVT", đồng thời củng cố khâu đảm bảo an toàn giao thông của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải lớn.