Những ngày đầu tháng 11, thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vẫn có nền nhiệt dao động 28-30 độ C. Nhiều người nói vui rằng năm nay miền Bắc có "mùa đông không lạnh" hay "mùa hè dài bất tận".
Trên các diễn đàn mua, bán, những chủ cửa hàng kinh doanh mặt hàng thời trang "lên tiếng kêu trời". Đa phần cho biết tình hình kinh doanh khó khăn vì đã nhập quá nhiều quần áo ấm nhưng trời không lạnh, khách hàng không có nhu cầu mua.
Nhập quần áo ấm "chờ đông" mà trời vẫn 30 độ C, chủ hàng khóc ròng
Ngọc Anh - chủ một cửa hàng thời trang cho bé ở quận Đống Đa, Hà Nội - chia sẻ: "Mình đã nhập 150 triệu đồng tiền quần áo ấm cho các bé mà trời vẫn 30 độ, các mẹ toàn hỏi hàng mùa thu. Quá khổ tâm".
Chia sẻ về tình hình kinh doanh năm nay, Ngọc Anh dùng hai từ ngắn gọn: "Quá tệ". Cô cho biết đa phần mọi người thắt chặt chi tiêu, không đầu tư quá nhiều tiền để mua quần áo mà ưu tiên dùng các món đồ cũ từ năm trước. Với mặt hàng đồ trẻ em, các bà mẹ chỉ có nhu cầu mua khi chuyển mùa, thời tiết trở lạnh. Do vậy, khi mùa đông mãi không đến đồng nghĩa với việc hàng tồn kho còn rất nhiều.
Ngoài ra, Ngọc Anh nói thêm đa phần mọi người mua quần áo mùa đông với tâm lý mua để diện Tết. Khi quá gần Tết hoặc qua Tết, thường nhu cầu mua sắm quần áo mới sẽ không còn. Do vậy, mùa đông đến muộn ảnh hưởng rất lớn đến những người kinh doanh thời trang phía Bắc.
Tuy nhiên, Ngọc Anh nhận định hàng tồn kho nhiều, một phần do người bán tính toán không kỹ. Từ khoảng tháng 8, 9, Ngọc Anh đã vội nhập hàng với tâm lý muốn có những mẫu mã đẹp nhất, sớm nhất thị trường. Ngoài ra, cô cũng cố chạy theo số lượng hàng nhập để được mức giá sỉ tốt nhất.
"Lẽ ra tôi không nên tham nhập hàng sớm hay nhập quá nhiều. Đôi khi phần chênh lệch giá không đủ bù cho hàng tồn", Ngọc Anh nói.
Chủ cửa hàng tìm cách chống chọi với ế ẩm
Đồng tình cảnh với Ngọc Anh, Anh Tú - chủ shop thời trang ở Lào Cai - cho biết giờ này mọi năm, lượng hàng đông của cô đã đi kha khá. Tuy nhiên năm nay, cô gần như chưa bán được chiếc áo khoác nào vì trời quá nóng. Mọi người vẫn sử dụng áo khoác nhẹ từ những năm trước.
Ở những tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, nền nhiệt thường thấp hơn khu vực đồng bằng khoảng 2 đến 4 độ C. Tuy vậy, Anh Tú cho hay hiện tại, Lào Cai vẫn nắng nóng. Người dân vẫn mặc áo cộc tay, quần sooc, quần lửng nên không có xu hướng mua sắm đồ mùa đông.
Để tránh tình trạng hàng tồn không kiểm soát, Anh Tú đăng bài giảm giá dù chưa tới mùa. Cô cho biết khi giảm giá sẽ kích thích nhu cầu của khách hàng mua trước khi trời lạnh. Ngoài ra, sắp đến ngày 11/11, việc giảm giá là hợp lý.
Bên cạnh đó, Anh Tú cho hay việc bán hàng trên các hội nhóm cũng giúp ích phần nào cho những người kinh doanh thời trang trong tình trạng hàng tồn quá nhiều như năm nay. Bên cạnh bán tại cửa hàng, Cô tập trung bán hàng online ở các kênh như trang cá nhân, hội nhóm - nơi tập trung nhiều người có nhu cầu mua sắm.
Ngại ống kính máy quay, tuy nhiên, để tình hình kinh doanh khả thi hơn, Anh Tú phải tập livestream bán hàng. "Khi kinh doanh quá khó khăn, người bán phải tìm ra những cách khác nhau để đẩy hàng đi thay vì ngồi trông chờ", Anh Tú nói.
Cô nói thêm tìm cộng tác viên, mở chính sách bán sỉ cũng là một trong những cách đẩy hàng. Ngày trước, cô chỉ đồng ý giao hàng cho cộng tác viên với điều kiện phải lấy đủ kích cỡ, mẫu mã. Tuy nhiên, hiện tại, với tình hình hàng tồn kho còn nhiều, cô đồng ý cho cộng tác viên lấy lẻ các mẫu với mức giá chênh hơn một chút so với lấy đủ mẫu.
Ngoài ra, lời khuyên của Anh Tú dành cho những người kinh doanh thời trang là không nên vì muốn nhập giá tốt mà nhập quá khả năng bán của cửa hàng. Năm nay, khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Do vậy, người bán cũng cần khảo sát, tính toán kỹ số lượng, nhập hàng ít hơn mọi năm để tránh hàng tồn kho quá nhiều.