Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho hay từ tháng 7/2023, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, tiêu dùng nội địa đạt mức bằng trước dịch. Tuy nhiên, cũng lần đầu tiên niềm tin của người tiêu dùng (CCI) tại Việt Nam rớt vào nhóm một trong những nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TPHCM (Hawa) - thông tin, 10 tháng năm 2023, ngành gỗ xuất khẩu khoảng 10,8 tỉ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Lâu nay, thường các nhà nhập khẩu chủ động tìm đến mua hàng. Giờ đơn hàng hiếm, các doanh nghiệp phải xúc tiến thương mại bằng cách tổ chức hội chợ nhưng lại thiếu sản phẩm mới; khả năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh còn chậm... nên vẫn khó có đơn hàng mới. Thị trường nội địa, không sáng sủa hơn vì bất động sản vẫn ảm đạm.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm tăng trưởng 4,23%, thấp nhất trong những năm bình thường. Trong khi đó khu vực Đông Á tăng trưởng bình quân 5%, khu vực Nam Á còn tốt hơn như Ấn Độ, Bangladesh… tăng hơn 6%. Ngay cả châu Âu, trước đây tăng trưởng 3% đã là cao, giờ họ tăng 2%, tức chỉ giảm loanh quanh đâu đó 1 điểm %, trong khi Việt Nam từ 7-7,5% xuống còn khoảng 5%, tức là giảm hơn 2,5 điểm %.
Chưa bao giờ xuất khẩu của Việt Nam lại giảm sâu và kéo dài dù một số ngành đã có khởi sắc nhưng đến giờ vẫn suy giảm 4,2% so với năm ngoái. Từ tháng 8/2023 tới nay, tình hình xuất khẩu có cải thiện nhưng tốc độ và quy mô chưa ổn định, không đồng đều và cũng chưa thể bức phát lên so với trước.
Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế còn khó khăn đến năm 2024 nên các chương trình hỗ trợ phải kéo dài đến năm 2025 |
Trong tiêu dùng, bán lẻ là chủ yếu nhưng lại đang có xu hướng suy giảm. Các tháng đầu năm bán lẻ tăng trưởng 15-17% nhưng gần đây chỉ còn tăng 11-12% và giờ đà tăng trưởng đang tiếp tục suy giảm. Trong khi đó đầu tư FDI đang tiếp tục lấn lướt khu vực trong nước, DN FDI chiếm tới 75% kim ngạch xuất khẩu, hơn 50% giá trị công nghiệp và bán lẻ cũng lấn sân.
Về du lịch, dịch vụ, năm nay tăng mạnh so với trước nhưng chỉ tăng so với năm đại dịch COVID-19 thì không nên tính mà phải so sánh với năm 2019. Đại đa số bộ phận DN trong ngành này vẫn đang thua lỗ nặng nên cần được hỗ trợ và phải hỗ trợ rất cụ thể.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, cho rằng giải pháp phục hồi kinh tế là phải tiếp tục hỗ trợ DN và người dân. Chính phủ và Quốc hội đang bàn kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024 nhưng thực tế cần kéo dài tới 2025 để tạo ra 1 niềm hứng khởi, luồng gió mới thúc mọi người tiêu dùng nhiều hơn.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - cho rằng, tình hình kinh tế còn khó khăn đến năm 2024 nên cần tháo điểm nghẽn tới nơi tới chốn. Phía Ngân hàng Nhà nước cần phải rà lại tất cả các gói tín dụng hỗ trợ xem nghẽn chỗ nào thì khơi thông chỗ đó. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là tất yếu nên cần có đạo luật về lĩnh vực này để không mất cơ hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc thị trường bất động sản ở cả cung và cầu vì đây là lĩnh vực có tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Chánh Phương đặt vấn đề, vốn đầu tư công hiện giải ngân yếu, trong khi chính sách giảm thuế VAT 2% cũng chưa thúc đẩy được tăng trưởng kích cầu nội địa, vậy tại sao không đẩy mạnh tiền đầu tư công này qua tiêu dùng cá nhân tặng 3% thuế VAT cho người xây nhà mới, xây sửa nhà cũ?
Ngành bán lẻ có quy mô khoảng 140 tỉ USD, theo ông Nguyễn Anh Đức nếu có chính sách tích cực cho ngành này sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng. Phải quy hoạch tổng thể lại nguồn cung nguyên liệu trên bình diện quốc gia để nguồn cung trong nước phát huy được giá trị trong bối cảnh nguồn cung thế giới đang bị ảnh hưởng. Phải đẩy mạnh kích cầu, có như vậy mới cải thiện chỉ số niềm tin của khách hàng, từ đó họ mới gia tăng mua sắm, chi tiêu.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.1684051a-no-auhc-gnuhn-neiht-iac-oc-et-hnik/nv.moc.enilnounuhp.www