Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long vừa ký tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2024.
Theo Chính phủ, giảm thuế VAT cùng các giải pháp thuế, phí khác tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, và góp phần tăng trưởng kinh tế.
Do đó, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế xã hội, Chính phủ cho rằng cần áp dụng tiếp các hỗ trợ thuế, phí, lệ phí trong nửa đầu năm sau.
Việc kéo dài giảm 2% thuế VAT lần này tới hết tháng 6/2024, theo Chính phủ, vẫn chỉ áp dụng với một số nhóm hàng hóa dịch vụ đang chịu thuế suất 10%. Tức là, các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, đồ uống có cồn... không được giảm thuế này.
Chính phủ đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Nghị quyết này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua tại kỳ họp 6 đang diễn ra.
Thuế VAT đã giảm 2% từ 1/7 với hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% và kéo dài tới hết năm 2023, theo Nghị quyết của Quốc hội. Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm quan trọng là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên khi giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi.
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 2/11, một số đại biểu cũng đề nghị kéo dài thời gian giảm 2% VAT với tất cả mặt hàng. Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng đây sẽ là giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh tổng cầu yếu, xuất nhập khẩu chưa hồi phục. Việc giảm thuế này với tất cả mặt hàng sẽ có tác dụng nhiều hơn so với việc loại trừ lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... như hiện nay.
Tuy nhiên, khi giải trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói "nếu giảm nhiều quá sẽ gây áp lực cho ngân sách". Dự toán thu ngân sách 2024, ông Phớc cho biết cũng xây dựng dựa trên việc loại trừ hai khoản giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, nhiên liệu bay và kéo dài giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng, dịch vụ tới giữa năm sau.
Anh Minh