Bộ Tài chính chiều nay (3/11) đã thông tin đến báo chí về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các giải pháp để tiếp tục ổn định thị trường và việc xử lý các vi phạm.
Theo Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm, có 70 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng (giảm 45,1% so với cùng kỳ năm 2022). Khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022).
Kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (5/3/2023), Bộ Tài chính cho biết, khối lượng phát hành là 179,5 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong tháng 10, khối lượng phát hành là 41 nghìn tỷ đồng, tăng 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 9 (23,4 nghìn tỷ đồng).
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã mua lại lượng trái phiếu trước hạn là 190,7 nghìn tỷ (cao hơn tổng số phát hành). Riêng trong tháng 10/2023, các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng.
Nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp trong 10 tháng là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 95% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 61%), các nhà đầu tư cá nhân mua 5%. Trên thị trường thứ cấp, tính đến 30/6/2023, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ TPDN riêng lẻ (tương đương khoảng 285,6 nghìn tỷ đồng).
Khối lượng đáo hạn năm 3 tháng cuối năm 2023 là 61,6 nghìn tỷ đồng.
Nêu các giải pháp để tiếp tục ổn định thị trường, Bộ Tài chính cho hay, cơ quan này đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ tổng thể các giải pháp điều hành.
Theo đó, các nhóm giải pháp chính bao gồm: thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; theo dõi thanh toán TPDN đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát.
Rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan; nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và NHNN cũng là các giải pháp được ngành tài chính đặt ra.
“Các giải pháp nêu trên đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt và giao các Bộ ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao” - Bộ Tài chính nêu rõ.
Về xử lý các vi phạm, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được đơn thư khiếu nại của nhà đầu tư liên quan đến vụ việc Ngân hàng SCB - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn thư của người dân đến gửi tiết kiệm được một số ngân hàng mời chào mua TPDN. Lãnh đạo Bộ đã giao UBCKNN chủ trì xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã có 6 văn bản đề nghị NHNN tăng cường quản lý, giám sát ngân hàng thương mại trong việc phân phối, cam kết mua lại, cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN và thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin về tình hình thị trường TPDN.
Bộ Tài chính cho biết, Bộ Công an đã có kết luận điều tra đối với vụ án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và đang điều tra đối với vụ việc của ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chuyển các đơn thư của nhà đầu tư cho Bộ Công an.