Ngày 3-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong các nội dung xin ý kiến đại biểu Quốc hội là về cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.
Không nhằm hợp thức hóa các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định nhằm xem xét cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp đang sử dụng đất có nguồn gốc do ông cha để lại. Đây là các trường hợp còn phổ biến, nhất là ở các khu vực nông thôn.
Điều kiện để cấp giấy chứng nhận với những trường hợp này là không thuộc các trường vi phạm pháp luật về đất đai và giao trái thẩm quyền đã được quy định dự luật.
Vì vậy, chính sách này không nhằm hợp thức hóa cho các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, quy định điều chỉnh các trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai. Cụ thể, không thuộc trường hợp lấn, chiếm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013 cho thấy các trường hợp sử dụng đất do ông cha để lại và đã xây dựng nhà ở sau thời điểm 1-7-2004 không thuộc trường hợp vi phạm pháp luật đất đai nên không có cơ sở để xác định các trường hợp này sử dụng đất sai mục đích hoặc tự ý chuyển sai mục đích.
Về việc mở rộng thời hạn đến ngày 1-7-2014 (so với quy định tại Luật Đất đai năm 2013 là thời hạn đến ngày 1-7-2004) là nội dung tiếp thu ý kiến nhân dân để giải quyết việc cấp giấy chứng nhận cho trường hợp hộ gia đình sinh sống thời gian dài (trước ngày 1-7-2014, có nhà ở, các công trình phục vụ sinh hoạt hộ gia đình…) nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng đất.
Hai phương án
Về nội dung này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1 đề nghị quy định thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến trước ngày 1-7-2014.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2014 được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề này, đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật. Góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm hiệu lực pháp lý của quy định.
Phương án 2, đề nghị chỉnh sửa thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến thời điểm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 đến thời điểm nộp hồ sơ cấp sổ đỏ được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất.
Thực tế nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân sinh sống thời gian dài cho đến nay vẫn chưa làm thủ tục cấp sổ đỏ do chưa có nhu cầu chuyển quyền sử dụng đất, hoặc không có đủ khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất... Trong khi đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ để cấp sổ đỏ cho các trường hợp này.
Vì vậy, cần thiết quy định theo hướng mở về thời hạn với trường hợp không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.
Việc tiếp tục nới thời hạn này mỗi lần sửa đổi Luật Đất đai cho thấy quy định về thời hạn chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, có thể có tác dụng ngược, dẫn tới giảm tính nghiêm minh của quy định pháp luật. Vì vậy, việc quy định hạn chế về thời hạn là không cần thiết.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1.
Đại biểu Trần Văn Tuấn đề xuất Nhà nước thu hồi đất với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó mở rộng thêm trường hợp thu hồi đất phát triển các dự án phát triển du lịch.