Hôm nay (3/11), Quốc hội dành cả ngày thảo luận, góp ý vào Luật Đất đai (sửa đổi). Hơn 110 đại biểu đăng ký phát biểu thể hiện sự quan tâm đến dự thảo luật quan trọng này.
Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi chỉnh lý, tiếp thu, tuy vậy có đại biểu cho rằng, một số điều khoản vẫn chưa phù hợp với thực tế.
"Dự thảo luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục, văn hóa, thể thao..., phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền. Tôi cho rằng với những quỹ đất hiện nay khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn", ông Nguyễn Hữu Chính, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nêu quan điểm.
Một số đại biểu cho rằng, cần rà soát kỹ dự thảo luật để tránh sự chồng chéo với các luật hiện hành, thậm chí tránh phải áp dụng cả 2 luật cho cùng một nội dung hoặc luật không rõ ràng khi áp dụng.
"Quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, các quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất, căn cứ vào nội dung, kế hoạch đất quốc gia được quy định tại Điều 65 dự thảo Luật Đất đai. Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch. Như vậy, nếu giữ nguyên như dự thảo, sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún. Đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất phải sử dụng cùng một lúc là hai luật", bà Trần Thị Vân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, nêu ý kiến.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Về nội dung cho tặng, chuyển nhượng đất trồng lúa, nhiều đại biểu đề nghị chọn phương án quy định định mức cụ thể đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
"Qua thực tế tiếp xúc cử tri, đối tượng giáo viên phổ thông hiện nay ở các vùng nông thôn, nên ngoài thời gian, mức lương có hạn nên phải canh tác thêm để đảm bảo cuộc sống, nên việc một vài sào ruộng, những người không trực tiếp làm nông nghiệp thì tôi cho rằng hợp lý. Nếu trên mức đó, đề nghị thành lập công ty", ông Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, đề xuất.
"Cá nhân tôi cũng cơ bản thống nhất với phương án cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Nếu quá hạn mức thì phải thành lập doanh nghiệp. Tôi thấy là quy định như thế này vừa đảm bảo giữ ổn định được diện tích đất lúa, đồng thời cũng khuyến khích được cá nhân có điều kiện đầu tư vào trong sản xuất nông nghiệp", ông Mai Văn Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết.
Dẫn báo cáo của Ủy ban Dân tộc, năm 2023 có hơn 24.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở và gần gấp đôi số đó thiếu đất sản xuất, một số đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản về nội dung này.
"Nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không có điều khoản nào quy định tạo quỹ đất để giao cho đồng bào. Đề nghị bổ sung một điều khoản tạo hành lang pháp lý cho việc này, nếu không sẽ lại có 20 năm lặp lại việc không hoàn thành nhiệm vụ nội dung của Nghị quyết 24. Điều 16 dự thảo luật cũng nêu: đảm bảo cho đồng bào của đất sinh hoạt cộng đồng nhưng trong luật cũng không có định nghĩa về loại đất này", ông Bế Trung Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, đề nghị.
Đến thời điểm này, còn 21 vấn đề lớn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang trình các phương án để báo cáo Quốc hội cho ý kiến. Nhấn mạnh đây là luật khó, phức tạp, còn những vấn đề rất lớn chưa thống nhất, một số đại biểu cho rằng cần phải có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, do đó có đại biểu đề xuất cân nhắc kỹ lưỡng hơn việc thông qua dự án luật tại kỳ họp lần này.
VTV.vn - Hơn 1 năm qua, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo là Bộ TN-MT xây dựng công phu, tiếp thu góp ý một cách cầu thị, trách nhiệm...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!