Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt hơn 52%
Bộ Tài chính cho biết về tình hình giải ngân kế hoạch vốn, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-9 là 367.611 tỉ đồng trên tổng kế hoạch là 825.873 tỉ đồng, đạt 44,51%. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31-10-2023 là 430.662 tỉ đồng, đạt 52,15%.
Trong đó, về giải ngân kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2023, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 9-2023 là 21.913 tỉ đồng, đạt 40% kế hoạch (54.725,3 tỉ đồng). Ước thanh toán đến cuối tháng 10-2023 là 28.798 tỉ đồng, đạt 52,62% kế hoạch.
Về giải ngân vốn thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2023, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-9 là 345.698 tỉ đồng, đạt 44,8% kế hoạch (771.148 tỉ đồng), đạt 48,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (707.044 tỉ đồng).
Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 56.902 tỉ đồng, đạt 46,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31-10 là 401.863 tỉ đồng, đạt 52,1% kế hoạch và đạt 56,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng lần lượt 46,44% và 51,34% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 72.478 tỉ đồng, đạt 58,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
10 tháng, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 624 triệu tấn
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng bằng tàu biển tháng 10 ước đạt gần 7 triệu tấn, tăng 27,62% so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng đạt 624,559 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng hàng xuất khẩu giảm nhẹ khoảng 1%, nhưng hàng nhập khẩu đã tăng trưởng mạnh hơn, khoảng 5%.
Đáng chú ý, sau nhiều tháng giảm, một số khu vực đã có sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trở lại như TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Theo đó, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM tăng 2,72%; Quảng Ninh tăng 4,8%; Hải Phòng tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Đối với khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển (tính theo Teus), khối lượng hàng container thông qua cảng biển 10 tháng của năm nay cũng giảm khoảng 3%, ước đạt 20,29 triệu Teus.
Dịch sốt xuất huyết đang cao điểm ở Hà Nội
Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tiễn tại Bệnh viện Thanh Nhàn - một trong những cơ sở y tế được phân công là tuyến cuối của Hà Nội trong thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Báo cáo của đại diện lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn ở buổi làm việc cho hay từ tháng 7-2023 đến ngày 1-11-2023, tại đây đã tiếp nhận 4.758 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, điều trị, nhưng chỉ riêng trong tháng 10 đã có hơn 2.200 bệnh nhân.
Số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng chiếm 7-10%, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu cũng tăng cao nhất trong tháng 10 với hơn 200 đơn vị tiểu cầu. Ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng từ tuần 28 và tăng nhanh từ tuần 35, trung bình 5 tuần gần đây ghi nhận hơn 2.500 trường hợp, số mắc tăng so với cùng kỳ 2022.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 4 trường hợp tử vong (giảm 12 trường hợp so với cùng kỳ), trong đó có 2 ca tử vong là người cao tuổi, có bệnh lý nền kèm theo. Tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết tại Hà Nội là 0,01%.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy tổng bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế là 2.869 người bệnh/4.200 giường kế hoạch phục vụ điều trị sốt xuất huyết.
Ngay từ đầu mùa dịch, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã chủ động lên kế hoạch phân tầng điều trị và phân công 40 bệnh viện trên địa bàn đảm nhiệm; đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, dịch truyền, giường bệnh phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Mỗi năm 200.000 người Việt tử vong do bệnh lý tim mạch
Tại Đại hội tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 đang diễn ra ở Hà Nội, báo cáo của Hội Tim mạch Việt Nam cho biết tim mạch vượt ung thư, là căn bệnh gây nhiều ca tử vong nhất hiện nay, lên tới 200.000 ca/năm, chiếm xấp xỉ 40% ca tử vong hằng năm trên toàn quốc.
Về căn nguyên khiến số mắc mới và tử vong do bệnh tim mạch tăng cao, GS.TS Huỳnh Văn Minh, phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, đánh giá kiến thức chung của người dân về phòng ngừa các bệnh lý tim mạch còn yếu, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện chưa lành mạnh ở nhiều nhóm dân cư, tỉ lệ người dân đi khám sàng lọc và được phát hiện bệnh sớm còn thấp nên phát hiện bệnh muộn.
Bên cạnh đó là ảnh hưởng của yếu tố môi trường và tuổi thọ bình quân tăng dẫn đến số người mắc xơ vữa mạch máu và nhiều bệnh lý tim mạch gặp ở người cao tuổi cũng gia tăng.
GS Thạch Nguyễn - chuyên gia tim mạch ở Mỹ, từng hỗ trợ Việt Nam về can thiệp tim mạch từ năm 1997 tới nay - đánh giá các bác sĩ Việt Nam đã có bước phát triển kinh ngạc về chuyên môn trong phẫu thuật và can thiệp tim mạch những năm qua.
Tuy nhiên GS Thạch Nguyễn chia sẻ cần nâng cao khả năng điều trị ở tuyến y tế cơ sở vì trình độ bác sĩ chưa đồng đều ở các tuyến.
Một số tin tức đáng chú ý: Lee Hyori đến Việt Nam; Jisoo BlackPink xác nhận đóng phim mới; Phương Ly giới thiệu 'Little love'...