Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện cùng anh Viết Tiến - máy trưởng buýt sông (Saigon Waterbus), người trực tiếp cứu người phụ nữ nhảy xuống sông Sài Gòn ngày 1-11.
Chỉ 2 phút để tiếp cận hiện trường
Anh Tiến kể lại hôm đó vào khoảng 14h20, khi anh Tiến và những đồng nghiệp đang trực tại bến tàu thủy Bình An (phường An Khánh, TP Thủ Đức) thì bất ngờ nghe thấy tiếng hô hoán từ người dân xung quanh. Một người phụ nữ đã nhảy xuống sông và đang gặp nguy hiểm.
Không chần chừ, anh Tiến cùng các đồng nghiệp đã tức tốc tháo dây neo, khởi động một chiếc tàu buýt sông và chạy thẳng về phía người phụ nữ đang chới với.
Chưa đầy 2 phút, chiếc buýt sông đã tiếp cận hiện trường. Khi tàu còn cách người phụ nữ khoảng 20m, anh Tiến đã mặc áo phao và nhảy xuống nước để níu lấy người phụ nữ ấy.
Mặc dù người phụ nữ này không đồng ý với việc được cứu (họ chủ động nhảy cầu tự tử - PV), nhưng do đã quá đuối sức nên cũng không còn nhiều năng lượng để vùng vẫy.
Anh Tiến dùng hết sức giữ chặt và nâng người phụ nữ lên cao để chị có thể thở. Các nhân viên trên tàu cũng đã hỗ trợ bằng cách thả phao xuống và cùng anh Tiến đưa người phụ nữ lên tàu an toàn.
Anh Tiến cho biết đây không phải lần đầu tiên anh và các đồng nghiệp cứu người đuối nước trên sông Sài Gòn.
Trong ca trực của mình, anh Tiến đã tham gia trực tiếp cứu khoảng mười mấy người. Việc cứu người đối với anh như là "duyên nợ" và không thể "nhắm mắt cho qua được" khi nghe thấy tiếng hô hoán.
"Nếu có chuyện tương tự xảy ra trong ca trực của tôi thì tôi thường là người trực tiếp nhảy xuống cứu. Mỗi lúc cứu người là các anh em tự động vào việc vì đã quá hiểu ý nhau.
Tôi nhiều lần mặc áo phao, lao xuống nước cứu người nên anh em cũng quen và hỗ trợ tôi hết mức. Tất nhiên, trong các ca trực của nhân viên khác thì họ cũng chủ động nhảy xuống sông, trực tiếp cứu người giống như tôi", anh Tiến nói.
Không màng an nguy của bản thân
Chia sẻ về việc phối hợp để cứu người, anh Tiến cho rằng cần ít nhất hai người tham gia. Một người sẽ phụ trách nhảy xuống cứu người trực tiếp, người còn lại thì lái tàu và hỗ trợ mình đưa người gặp nạn lên. Thông thường, mỗi lần cứu người đều có trên 3 người tham gia.
"Trước khi chuyển người được cứu lại cho công an và gia đình, tôi cũng động viên những người đó phải cố gắng sống tiếp và vượt qua khó khăn.
Tôi đã được Công ty Saigon Waterbus tập huấn đầy đủ về công tác cứu hộ, cứu nạn và đã chuẩn bị sẵn tâm lý cùng các thiết bị hỗ trợ cần thiết. Những lần thấy có người chới với giữa dòng nước, tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao để cứu lấy họ nhanh nhất, không màng đến sự an nguy của bản thân.
Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp và chắc chắn tôi sẽ tiếp tục cứu người nếu gặp tình huống tương tự xảy ra", anh Tiến nói.
Anh Tiến tâm sự thêm điều làm anh lo lắng và có thể day dứt nhất là gặp cảnh phát hiện người dân hô hoán có người gặp nạn từ xa, nhưng khi tiếp cận hiện trường lại không thấy họ đâu nữa, không cứu được... Anh Tiến đã từng trải qua cảm giác đó một lần.
Những ngày qua, câu chuyện anh Việt Tiến cứu người nhảy cầu đã thu hút nhiều sự quan tâm và ngưỡng mộ từ người dân.
Đề xuất khen thưởng các nhân viên buýt sông cứu người
Phòng Quản lý đường thủy TP.HCM vừa có báo cáo đề xuất đến Sở Giao thông vận tải TP.HCM về việc khen thưởng cho các nhân viên tuyến buýt sông đã tham gia cứu người phụ nữ nhảy cầu Sài Gòn (nội dung như báo Tuổi Trẻ đã đăng ngày 2-11).
Phòng Quản lý đường thủy TP.HCM cho biết để kịp thời động viên, khen thưởng việc cứu người trên sông Sài Gòn, đề nghị Phòng Tổ chức cán bộ xem xét, trình giám đốc Sở Giao thông vận tải khen thưởng cho 6 nhân viên của Công ty TNHH Thường Nhật đã có hành động dũng cảm.
Đồng thời, khen thưởng tập thể cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Thường Nhật (tuyến buýt sông - Saigon Waterbus).
TTO - Phát hiện có người đang chới với dưới dòng sông Ninh Cơ, tỉnh Nam Định, anh Nguyễn Văn Chính (28 tuổi, lính hải quân mới xuất ngũ, trú tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã không ngần ngại nhảy từ trên cầu xuống để cứu người.