Trên cơ sở ban hành quyết định 24 kể từ năm 2017 đến nay, giá điện đã được điều chỉnh 3 lần vào năm 2017 với 6,08%; năm 2019 là 8,36% và năm 2023 là 3%.
Với quan điểm giá điện cần được điều chỉnh theo lộ trình, tránh giật cục, ý kiến của Thường trực Chính phủ về việc sửa đổi quyết định 24 theo hướng có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm, Bộ Công Thương cho rằng cần thiết hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Có quy định để hạch toán lỗ tỉ giá
Theo đó, dự thảo sửa đổi làm rõ chủ thể mua bán điện trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các thông số của giá bán lẻ điện bình quân và xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện theo lộ trình.
Việc điều chỉnh giá bán điện tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Cụ thể, công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân cơ bản giữ nguyên như quy định cũ, nhưng làm rõ thêm chi phí khác. Bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá đánh giá lại chưa được phân bổ; chi phí mua điện từ các nhà máy cung cấp dịch vụ phụ trợ...
Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm được sửa đổi theo biến động khách quan của thông số đầu vào ở tất cả các khâu.
Thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ cơ bản giữ nguyên. Cụ thể, EVN tự quyết định (khi điều chỉnh giảm hoặc tăng ở dưới mức 5%); Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN thực hiện (tăng từ 5% đến dưới 10%); Thủ tướng Chính phủ có ý kiến (tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô).
Giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần
Theo Bộ Công Thương, nhằm giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện. Việc này để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN, cũng như dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào.
Do vậy, dự thảo rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng. Việc áp dụng chu kỳ điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần cũng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá là mỗi quý/lần, giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.
Tuy nhiên, dự thảo bổ sung vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng.
Hằng năm Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và một số đơn vị như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng tham gia kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Trường hợp Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện cũng được quy định. Cụ thể, EVN xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình các bộ ngành.
Các bộ ngành liên quan trong đó Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra phương án hỗ trợ giảm tiền điện để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.
Giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.