Gần 3 năm trước, ngay tại quán cơm Nụ Cười (Phan Rang, Ninh Thuận) này, tôi vẫn nhớ hình ảnh của ông già bán vé số có tên Phạm Tám, khi tôi mời ông lên xe ô tô, để nhờ ông đưa tôi về thăm nhà của ông. Lần đó là tôi tìm đến trao cho ông 100 USD của hai gia đình người bạn ở nước ngoài gởi đến lì xì dịp Tết Nguyên đán. Ông bối rối và ra vẻ rất ngại và tỏ ý không dám bước chân lên xe…
Tôi giả bộ như không biết, vì cũng hiểu đây là cái e ngại thường thấy của những người, họ luôn tự ti để mặc định cho mình thuộc “hàng đáy xã hội”. Sau đó, ông cũng thú thực, là rất bối rối trước lời mời của tôi, để lần đầu tiên sau hơn 8 thập kỷ hít thở khí trời, ông mới được làm khách mời thực thụ ngồi trên một chiếc xe con…
Ông đưa tôi ghé vào cuối con hẻm nhỏ ở phường Phủ Hà. Ái ngại nhìn ngôi nhà nằm giữa lòng thành phố của ông già bán vé số, khung nhà xiêu vẹo, mái lợp tôn gỉ sét lủng lỗ chỗ. Ông chia sẻ: Mưa dột khắp nơi ngủ không được đâu chú.
Với tôi, ông là người có lòng tự trọng, khi nhiều lần tôi mời ông vô ăn cơm Nụ Cười (thực khách nghèo chỉ bỏ 2.000 đồng để có một bữa ăn chất lượng), thì đều nhận lại lời từ chối và nụ cười móm mém của ông. Ông thường nói: "Tui vẫn còn đi bán vé số kiếm sống được, xin nhường phần cơm cho người khó hơn…". Rồi sau đó, bắt đầu từ sự kính trọng nhân cách sống, cảm thông hoàn cảnh sống của ông và được hỗ trợ của bạn bè, một ngôi nhà mới trị giá 60 triệu đồng được xây mới và trao cho ông.
Trưa nay, giữa cái nắng chuyển mùa oi bức ran rát mặt đường, khi quán cơm Nụ Cười bắt đầu đón khách. Ông già bán vé số ấy lại vô tình đi qua. Tới hỏi thăm sức khỏe, mua ủng hộ vài tờ vé số và nghe ông chia sẻ: “Mấy năm nay đến mùa mưa là ngủ khỏe, không lo nhà dột nữa… Trong lòng vẫn canh cánh câu cám ơn nhờ chú Vi gửi tới mọi người”. Định mời ông vô ăn cơm nhưng lại thôi. Thực ra không phải sợ nghe câu từ chối của ông, mà tôi tôn trọng và không muốn động chạm tới “nguyên tắc sống” lâu nay của ông.
Nhìn bóng dáng ông già hơn 80 tuổi, không ăn cơm người nghèo, cầm tập vé số đi bán giữa buổi trưa mà lòng tôi thầm kính trọng. Ông có biết là xã hội này đang có một số người “đáng kính”, họ có mọi thứ mà thiếu cái lòng tự trọng và nhân cách như ông không?
Đã có vài căn nhà tình thương được trao cho khách của quán cơm Nụ Cười, duy chỉ có ông là người duy nhất được xây nhà, khi từ chối ăn cơm dành cho người nghèo.
Chỉ đơn giản là câu chuyện của ông già bán vé số nhưng nó là bài học cho chúng ta về lòng tự trọng. Nghèo nhưng không dựa dẫm vào xã hội; nghèo nhưng biết tự lực cánh sinh, nhường nhịn cho người khác khổ hơn mình; nghèo nhưng không hèn; ông có thể thiếu vật chất nhưng dư dả nhân cách… Cầu mong ông luôn khỏe mạnh để còn làm điểm tựa nhân cách cho tôi và một số người.