Điểm lại các điểm tích cực của kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 tháng, Thủ tướng nhấn mạnh nền kinh tế duy trì đà "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước". Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và là điểm sáng, uy tín và vị thế quốc tế của VN tiếp tục được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng phát triển của VN.
Dù vậy, vẫn còn một số khó khăn, thách thức: sức ép lạm phát còn cao; thu ngân sách 10 tháng giảm so với cùng kỳ; tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu; nợ xấu có xu hướng gia tăng... Nguyên nhân: VN là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
"Qua lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, cử tri mong muốn và kỳ vọng ở Chính phủ nhiều hơn nữa. Vì vậy, chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa", Thủ tướng phát biểu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Trong đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch, phấn đấu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) và kiểm soát giá nguyên vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc.
Đặc biệt, tích cực phục hồi, phát triển các thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản. Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 08 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Thông tin thêm tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4.11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tính đến hết tháng 10, có 70 DN đã thử nghiệm phát hành TPDN riêng lẻ với khối lượng 180.400 tỉ đồng. Trong đó, nhà đầu tư tổ chức chiếm trên 95% và nhà đầu tư cá nhân chỉ có khoảng gần 5% đã tham gia mua TPDN riêng lẻ phát hành.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán tiến hành giám sát, kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu các DN đã phát hành trái phiếu mà không thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống này theo quy định.