Thị trường màu mỡ
Tại một trường tiểu học ở ngoại ô Delhi, chuyên gia dinh dưỡng Aditi Mehrotra giảng giải cho các em học sinh lớp 2 về một điều “bất ổn” đang xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống hiện đại: đồ ăn vặt.
Bằng những kiến thức trực quan, Mehrotra, đã hỏi các em nhỏ về thứ gọi là “đường có hại cho sức khỏe” và giải thích những lợi ích của chế độ ăn kiêng truyền thống của người Ấn Độ. Cô cũng tổ chức trò chơi cho các em nhỏ. Ví dụ, học sinh sẽ thử xác định các loại rau khi bị bịt mắt hoặc có trò khác là các em sẽ tự lên kế hoạch cho một bữa ăn dã ngoại đầy đủ dưỡng. Sau đó, Mehrotra dừng lại để kiểm tra xem mức độ tiếp nhận của các em ở mức nào.
“Có bao nhiêu người thích ăn ở McDonald’s vào ngày sinh nhật của mình hơn là ở nhà?” - cô hỏi. Nhiều cánh tay giơ lên không trung.
“Đây là điều mà chúng tôi đang phải đối mặt,” Mehrotra nói vào giờ giải lao tại Trường Quốc tế Lotus Valley, cơ sở giáo dục thuộc thành phố giàu có ngay bên ngoài thủ đô Ấn Độ. “Có rất nhiều chiêu trò và cám dỗ mới để lôi kéo trẻ em”.
Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống đóng gói toàn cầu đang tìm kiếm những thị trường mới. Việc giám sát theo quy định và nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng đang cản trở hoạt động kinh doanh tại các thị trường cốt lõi ở phương Tây, nơi các sản phẩm của Nestlé SA và Kellanova - nhà sản xuất Frosties và Pringles - từ lâu đã trở thành mặt hàng chủ lực quen thuộc của các cửa hàng tạp hóa. Trong thập kỷ qua, nhu cầu về khoai tây chiên và sô cô la đã chững lại ở Bắc Mỹ và phần lớn châu Âu. Sự phổ biến ngày càng tăng của các loại thuốc ức chế thèm ăn như Ozempic đã hạn chế doanh số bán hàng của Walmart và làm hạ giá cổ phiếu của các công ty thực phẩm và đồ uống.
Trong bối cảnh đó, các công ty thực phẩm đã nhìn thấy “mỏ vàng” ở các quốc gia như Ấn Độ - nền kinh tế mới nổi, đông dân cư, cũng là nơi thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn đóng gói vẫn còn tương đối mới lạ. Chưa kể, các loại thuốc giảm cân mới nhất chưa phổ biến và hầu như không có hạn chế về mặt marketing, kể cả đối với trẻ em. Các quốc gia như Mexico - nơi tình trạng béo phì ở trẻ em là mối lo ngại hàng đầu về sức khỏe - đã buộc các công ty thực phẩm hạn chế sản xuất quảng cáo không lành mạnh hướng tới giới trẻ.
Nhưng không có quy định nào như vậy tồn tại ở Ấn Độ. Ngũ cốc giàu tinh bột và đồ uống có đường được bán như những lựa chọn chất lượng trong các quảng cáo có sự góp mặt của các diễn viên và nhân vật hoạt hình Bollywood.
Ở các đô thị lớn của Ấn Độ, các siêu thị lớn vẫn chưa phổ biến, nhưng các chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đang cạnh tranh với các chợ thực phẩm truyền thống. Doanh số bán đồ ăn nhẹ và nước giải khát gần như tăng gấp ba trong thập kỷ qua ở Ấn Độ, vượt qua mốc 30 tỷ USD vào năm ngoái. Unilever Plc, công ty sản xuất sốt mayonnaise, kem và đồ uống sữa mạch nha Horlicks, kỳ vọng quốc gia Nam Á này sẽ trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của công ty trong vòng một thập kỷ. Hiện tại, 60% hoạt động kinh doanh của họ đến từ các thị trường mới nổi.
Hanneke Faber, giám đốc bộ phận dinh dưỡng sắp mãn nhiệm của Unilever, cho biết: “Ấn Độ đang bùng nổ”, đồng thời gọi đất nước này là một “động lực tăng trưởng tuyệt vời”.
Hậu quả đáng ngại
Ảnh hưởng của những điều này đối với sức khỏe của 1,4 tỷ người dân Ấn Độ là một câu hỏi hóc búa đối với Thủ tướng Narendra Modi. Chính phủ của ông đã thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng hiện phải cân nhắc bởi sức khỏe của người dân có thể bị “bào mòn” trong một thời đại với nhiều loại thực phẩm mới, trong đó chế độ ăn thường có quá nhiều dầu và tinh bột, quá ít protein, thậm chí kể cả khi thức ăn được nấu ở nhà.
Mặc dù tình trạng đói nghèo vẫn ám ảnh Ấn Độ, nhưng vấn đề ở đầu còn lại cũng đang xảy ra. Kể từ khi Ấn Độ tự do hơn 3 thập kỷ trước, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành đã tăng hơn gấp 3 lần.
Các nhà sản xuất thực phẩm quốc tế nhấn mạnh rằng nhiều sản phẩm của họ giải quyết những khoảng trống trên thị trường Ấn Độ và họ đang liên tục nỗ lực cung cấp các lựa chọn tốt cho sức khỏe. Trong năm qua, Kellanova cho biết công ty đã cắt giảm 1/5 lượng đường trong ngũ cốc sô cô la. Nestlé lưu ý rằng họ tự nguyện đưa thông tin dinh dưỡng lên bao bì phía trước của các mặt hàng được bán ở Ấn Độ. Người phát ngôn của Unilever cho biết công ty cam kết cung cấp các sản phẩm chất lượng “đạt được sự cân bằng giữa việc bổ sung chất dinh dưỡng và cảm giác ngon miệng”.
Revant Himatsingka, một nhà vận động y tế cộng đồng và là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, cho biết những biện pháp này là chưa đủ. Ông kêu gọi chính phủ Ấn Độ can thiệp bằng các quy định cứng rắn hơn, song hành với những nỗ lực nhằm hạn chế sử dụng thuốc lá.
Ở Mỹ, các công ty thực phẩm “phải dùng nhiều mánh khóe để cố gắng thuyết phục ai đó mua thứ gì đó không tốt cho sức khỏe,” ông nói. “Ở Ấn Độ, các công ty không cần làm điều đó, đó là lý do tại sao các họ đang kiếm được những khoản tiền khổng lồ”.
Một trong những cuộc tranh luận nhạy cảm nhất là làm thế nào để bán các loại thực phẩm cho trẻ em.
Quy định đóng gói ở Ấn Độ còn lỏng lẻo so với các nơi khác trên thế giới. Không giống như hầu hết các nước Mỹ Latinh, các công ty thực phẩm và đồ uống không bắt buộc phải ghi chú trước bao bì về lượng đường, chất béo và muối - thậm chí không phải trên cơ sở tự nguyện, như ở Châu Âu hay Hàn Quốc. Nhiều công ty sử dụng tiếng Anh trên bao bì thực phẩm của họ, mặc dù ngôn ngữ này chỉ được sử dụng bởi khoảng 10% dân số Ấn Độ và thậm chí còn ít hơn ở những trẻ em dưới 10 tuổi.
Trong những năm gần đây, các nhà hoạt động y tế cộng đồng đã gia tăng áp lực lên chính phủ Ấn Độ để tăng cường nhận thức về hậu quả của việc tiêu thụ nhiều đồ ăn vặt. Năm 2011, Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ được thành lập để quản lý các tiêu chuẩn ngành. Và hiện nay, các công ty bắt buộc phải mã hóa màu sắc cho các sản phẩm thực phẩm để cho biết chúng có phải là đồ ăn chay hay không.
Nhưng nhiều người cảm thấy sự thay đổi diễn ra quá chậm và các tập đoàn thực phẩm có tiếng nói lớn khi xét đến việc định hình chính sách công.
Khurana, người làm việc cho Trung tâm Khoa học và Môi trường, tổ chức vận động vì lợi ích cộng đồng ở Ấn Độ, bày tỏ những khó khăn trong nỗ lực đẩy lùi béo phì cho cộng đồng: “Chúng tôi phải chứng minh rằng điều này có lợi cho người tiêu dùng”.
Tham khảo: Bloomberg