Sáng 5-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện chỉ thị 01/CT-TTG ngày 3-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có nhiều kiến nghị đến Chính Phủ, Bộ Công an và các bộ ngành liên quan sớm có các giải pháp để góp phần đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết từ khi có chỉ thị 01/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra ở ba cấp với gần 60.000 lượt, xử lý 7.000 trường hợp vi phạm phòng cháy chữa cháy. TP đang chỉ đạo các xã, phường thành lập 80.000 tổ để đảm bảo công tác chữa cháy tại chỗ.
Tại TP.HCM có 60.488 nhà chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà trọ, phòng trọ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh… đây là những nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó nhà trọ, phòng trọ là 55.444.
Theo báo cáo, những loại hình nhà này nằm ở vị trí sâu, tiếp cận khó, không đạt chuẩn về xây dựng cũng như an toàn phòng cháy chữa cháy. Tại những nơi này, sắp xếp nguồn lửa, lối đi không hợp lý, ảnh hưởng lối thoát hiểm, lối đi để cứu hộ.
Qua đó, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị đến Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Công an và các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý về phòng cháy chữa cháy.
Bộ Công an, Bộ Xây dựng sớm thống nhất các quy định quản lý, xử lý các chung cư, tòa nhà cũ. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan cập nhật lại chương trình phòng cháy chữa cháy, thường xuyên tập huấn cho các công an địa phương về kiến thức, kỹ năng; Chính phủ quan tâm, đầu tư trang bị phòng cháy chữa cháy cho các địa phương.
Đối với các cơ sở tập trung, ông Mãi cho rằng nên lắp hệ thống báo cháy, trang bị bể nước chữa cháy tại chỗ. Nhà ở riêng lẻ nên lắp lối thoát nạn thứ 2, trang bị bình chữa cháy, thang dây, cảnh báo cháy...
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Công an cho biết từ ngày 15-12-2022 đến 15-10-2023 trên toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy (trong đó có 1.616 vụ cháy, 1.311 sự cố cháy), làm chết 134 người, bị thương 101 người. Về tài sản ước tính thiệt hại 229,75 tỉ.
Trong thời gian này cũng xảy ra 10 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 18 người. Địa bàn cháy, thành thị số vụ chiếm 66,2%, nông thôn 38,2%.
Trong đó cháy nhà dân chiếm 33,3%, cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 8,2%; cháy chung cư (chiếm 1,3%); cháy chợ 1,3%; cháy trung tâm thương mại, siêu thị 0,7%, cháy vũ trường, bar, karaoke 0,4%, cháy trụ sở làm việc 1,5%.
Nguyên nhân các vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm 61,6%; do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 16,6%; do vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy 0,9%, do sự cố kỹ thuật 1,8%; do tác động hiện tượng thiên nhiên 1,1%; do tai nạn giao thông 0,7%.
5.572 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy
Bộ Công an cũng báo cáo hiện cả nước còn tồn tại 5.572 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật phòng cháy chữa cháy có hiệu lực.
Trong đó có nhiều công trình đã quá cũ, không thể cải tạo, sửa chữa, nhiều công trình đã bố trí để di dời nhưng người dân không chấp hành.
Qua kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận căn nhà trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngăn 'hộp ngủ' cho thuê vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy chữa cháy.