Thông tin trên được bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình - phó chủ tịch Liên chi hội đái tháo đường và nội tiết TP.HCM - cho biết tại buổi sinh hoạt "Chung tay chăm sóc bệnh đái tháo đường" do Liên chi hội đái tháo đường - nội tiết TP.HCM tổ chức sáng 5-11, nhằm hưởng ứng "Ngày đái tháo đường thế giới".
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là một trong bốn bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Khi bệnh không kiểm soát được và theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu.
Bác sĩ Bình cho biết thêm theo điều tra dịch tễ bệnh đái tháo đường của Bệnh viện Nội tiết trung ương, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trên toàn quốc những năm gần đây là 7,3%, riêng TP.HCM và Hà Nội lên đến 8,3% (tỉ lệ này vào 1992 tại TP.HCM là 2,2%, Hà Nội 1,4%).
Đáng chú ý, cứ một bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện, đồng nghĩa có một bệnh nhân đái tháo đường chưa được phát hiện.
Theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), có hơn 90% bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Bác sĩ Bình cho hay trong nhiều trường hợp, bệnh đái tháo đường tuýp 2 và các biến chứng của nó có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa bằng cách áp dụng và duy trì các thói quen lành mạnh. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể đẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.
Trước số lượng gia tăng nhanh của bệnh đái tháo đường và Việt Nam nằm trong khu vực có gene nổi trội về bệnh này (khu vực Đông Nam Á), bác sĩ Bình khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức chăm sóc, phát hiện kịp thời căn bệnh nguy hiểm, ví như "sát thủ giết người thầm lặng" bởi các biến chứng cấp tính và mãn tính của bệnh.
Đối với người có nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2, việc biết rõ nguy cơ của mình và những việc cần làm là quan trọng để hỗ trợ phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Với người bệnh đái tháo đường, để trì hoãn hoặc ngăn ngừa biến chứng, cần tiếp cận thông tin chính xác, cũng như thuốc uống, công cụ hỗ trợ trong việc tự chăm sóc...
Ngày 14-11 hằng năm được lấy làm "Ngày đái tháo đường thế giới". Đây là ngày sinh của ngài Frederick - người phát hiện ra insulin cùng với Charles Best.
Ngày đái tháo đường thế giới là chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường lớn nhất thế giới, tiếp cận với hơn 1 tỉ người tại hơn 160 quốc gia trên toàn cầu.
Năm 2023, chiến dịch tập trung vào tầm quan trọng của việc biết nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 để giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa tình trạng này. Đồng thời nêu tác động của các biến chứng liên quan đến bệnh và tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin, chăm sóc phù hợp để đảm bảo điều trị kịp thời.
Ăn nhiều thịt đỏ (thịt có màu đỏ khi chưa nấu chín thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt nai, thịt cừu) có liên quan tăng nguy cơ đái tháo đường type 2.