Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 UBND tỉnh, thành trực thuộc T.Ư và hơn 700 điểm cầu tại UBND các quận, huyện trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vụ cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ tại phố Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) làm 56 người tử vong là hồi chuông cảnh báo và cho thấy tình hình rất khẩn cấp, đòi hỏi ngay giải pháp cấp bách để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các vụ cháy; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và doanh nghiệp.
Còn sơ hở, thiếu sót
Đánh giá về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua, Thủ tướng cho biết đã đạt nhiều kết quả quan trọng, dù vậy tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do một số quy định của pháp luật về PCCC chưa theo kịp sự phát triển của xã hội; cơ sở hạ tầng được xây dựng lâu năm, nhiều công trình cũ, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu PCCC. Ý thức trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCCC còn hạn chế, thậm chí buông lỏng quản lý...
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an cho biết lực lượng công an đã tiến hành tổng rà soát, kiểm tra 100% nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ. Vận động hơn 11 triệu hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, 3 triệu hộ gia đình mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai…
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ được thực hiện quyết liệt hơn, không có ngoại lệ. Lực lượng chức năng đã kiểm tra an toàn PCCC gần 190.000 lượt cơ sở; phát hiện 67.000 tồn tại, thiếu sót và kiến nghị khắc phục; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 8.500 trường hợp.
Lực lượng công an, nòng cốt là cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã điều động hơn 60.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với hơn 2.000 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ. Đặc biệt, đã hạn chế được thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn, trực tiếp cứu được gần 900 người; bảo vệ tài sản trị giá hàng nghìn tỉ đồng và cứu được tài sản trị giá gần 270 tỉ đồng trong các vụ cháy.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh những kết quả đạt được, cần nghiêm túc nhìn nhận công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém cần khẩn trương, quyết liệt khắc phục. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Còn tình trạng buông lỏng quản lý, để xảy ra xây dựng các công trình không tuân thủ quy định pháp luật, không đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC...
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC, trật tự xây dựng chưa nghiêm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng chây ỳ, kéo dài không khắc phục vi phạm. Vụ cháy chung cư mini tại Khương Đình, Hà Nội đã bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong quản lý nhà nước về PCCC và trật tự xây dựng.
Dự báo thời gian tới, tình hình cháy nổ, sự cố, tai nạn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu dân cư, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ; chợ, trung tâm thương mại... Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Đặc biệt, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, về PCCC, điện lực, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót. Tiếp tục thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Những tồn tại có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải chuyển các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm.
Hoàn thành tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ trước ngày 31.12
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp về PCCC.
"Phải trực tiếp đối thoại, nắm bắt tình hình để có giải pháp tháo gỡ; không được gây phiền hà, khó khăn. Không hợp pháp hóa cho sai phạm, nhưng phải có giải pháp tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Phân bổ gần 124 tỉ đồng hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini
Sáng 5.11, sau gần 2 tháng xảy ra vụ cháy chung cư mini 9 tầng ở phố Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), UBND Q.Thanh Xuân bắt đầu tổ chức phân bổ gần 124 tỉ đồng hỗ trợ cho các nạn nhân.
Theo phương án phân bổ, trong đợt 2 sẽ hỗ trợ tổng số tiền 123,94 tỉ đồng cho 4 nhóm đối tượng. Cụ thể, nhóm 1, hỗ trợ bổ sung 40 triệu đồng cho 1 trường hợp sau khi Ủy ban MTTQ VN P.Khương Đình đã hỗ trợ đợt 1.
Nhóm 2, hỗ trợ 89,6 tỉ đồng cho người sống trong tòa nhà, trong đó hỗ trợ chi phí sinh hoạt đảm bảo ổn định cuộc sống cho người còn sống là 88 người với số tiền 700 triệu đồng/người; hỗ trợ thờ cúng đối với người tử vong là 56 người (hỗ trợ cho thân nhân của người tử vong đứng ra thờ cúng) số tiền 500 triệu đồng/người.
Nhóm 3, hỗ trợ 37 nạn nhân bị thương số tiền 15,7 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ người bị thương phải điều trị tại bệnh viện từ 3 - 7 ngày là 3 người với số tiền 300 triệu đồng/người; hỗ trợ người bị thương phải điều trị tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên là 33 người với số tiền 400 triệu đồng/người; hỗ trợ người bị thương nặng, hiểm nghèo là 1 người với số tiền 1 tỉ đồng.
Nhóm 4, hỗ trợ cho đối tượng là trẻ em tổng số tiền 19,2 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ 1 sổ tiết kiệm 2 tỉ đồng cho trẻ mồ côi cả cha và mẹ; hỗ trợ 4 sổ tiết kiệm trị giá 1 tỉ đồng cho trẻ mất cha hoặc mẹ; hỗ trợ 22 sổ tiết kiệm trị giá 600 triệu đồng cho trẻ dưới 16 tuổi (cha, mẹ còn sống).
Riêng số tiền còn lại là 2,221 tỉ đồng được ban vận động thống nhất để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra hỏa hoạn.
Sau vụ hỏa hoạn, Ủy ban MTTQ VN các cấp của TP.Hà Nội đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 132,12 tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân và đã tiến hành hỗ trợ đợt 1 cho gia đình các nạn nhân với tổng số tiền 6,126 tỉ đồng.
Nguyễn Trường
Ngoài ra, tiếp tục tổng rà soát các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ, trong đó phải phân loại, đánh giá cụ thể từng nhóm tồn tại, vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC, điện lực để có giải pháp phù hợp.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ - yêu cầu chung về thiết kế (trước ngày 31.12). Tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini - PV), kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý về trật tự xây dựng. Để tăng cường quản lý rủi ro, Bộ Công thương được giao khẩn trương hoàn thiện dự án luật sửa đổi bổ sung luật Điện lực, trong đó bổ sung quy định về sử dụng điện an toàn sau công tơ để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân.
Thủ tướng cũng giao Bộ VH-TT-DL rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Nghị định 54/2019/NĐ-CP, trong đó sửa đổi quy định về cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, hoàn thành trong năm 2023. Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ và các nghị định liên quan...