Vụ kiện này còn bùng nổ rất "đúng thời điểm", khi tình trạng béo phì bị cảnh báo gia tăng mạnh ở Mỹ. Nghiên cứu năm 2001 của Hiệp hội Y khoa, cho thấy hơn một nửa số người trưởng thành ở nước này bị thừa cân. Béo phì nghiêm trọng, thời điểm đó, được báo cáo đã gây ra 280.000 ca tử vong mỗi năm, trong đó 11% là trẻ em... Còn con số trẻ em Mỹ béo phì, đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua.
9 phụ huynh này kỳ vọng vụ kiện mang nhiều tính đạo đức hơn là đòi thiệt hại. Các nguyên đơn cáo buộc McDonald's vi phạm Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng, như sau.
Thứ nhất, McDonalds đã không tiết lộ đầy đủ các thành phần và ảnh hưởng sức khỏe của việc ăn thực phẩm có hàm lượng cholesterol, chất béo, muối và đường cao; mô tả thức ăn của họ là bổ dưỡng; và tiếp thị để lôi kéo người tiêu dùng mua mà không tiết lộ những ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của nó.
Thứ hai, McDonald's tập trung vào các kỹ thuật tiếp thị nhằm khuyến khích trẻ em mua và ăn thực phẩm của họ.
Thứ ba, McDonalds bán các sản phẩm thực phẩm có nhiều cholesterol, chất béo, muối và đường, dù biết rõ những thực phẩm đó gây béo phì và ảnh hưởng có hại cho sức khỏe.
Thứ tư, McDonalds đã không cảnh báo người tiêu dùng các sản phẩm của họ về thành phần, số lượng, chất lượng và mức độ cholesterol, chất béo, muối và về việc chế độ ăn này có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề sức khỏe.
Luật sư của các nguyên đơn phụ huynh, cũng gửi bản lập luận dài đến tòa, cho rằng chiến dịch quảng cáo trị giá hàng tỷ USD của chuỗi cửa hàng này khuyến khích trẻ em tìm ra "tính háu ăn" bên trong của mình. "Những người trẻ tuổi không đủ năng lực đưa ra lựa chọn sau sự 'tấn công dữ dội' của quảng cáo và khuyến mãi".
Trong khi đó, Walt Riker, người phát ngôn của McDonald's, phủ nhận việc McDonald's coi trẻ em là mục tiêu quảng cáo của mình. Ông nói: "Không ai quan tâm đến trẻ em nhiều hơn McDonald’s".
Ông chỉ ra những thay đổi trong lối sống khiến người Mỹ ít vận động hơn và dễ béo phì, chứ không hoàn toàn do ăn hamburger và khoai chiên McDonald's.
Các luật sư của McDonald's cho rằng: "Người tiêu dùng đều hiểu những thành phần gì có trong các sản phẩm như bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên, cũng như hậu quả với vòng eo và sức khỏe của một người khi ăn quá nhiều những thực phẩm đó trong một thời gian dài".
"Người ta không ngủ quên và sáng hôm sau thức dậy đột nhiên béo phì", luật sư nêu quan điểm và kiến nghị tòa đình chỉ vụ án.
Trong bản lập luận gửi tòa án, luật sư cho rằng kiến thức cơ bản này đã được biết đến qua nhiều thế hệ. Luật sư trích dẫn lời của chính trị gia lập quốc thế kỷ 18, Benjamin Franklin: ''Để kéo dài tuổi thọ, hãy ăn ít đi" và triết gia thế kỷ 19, Henry David Thoreau: ''Có sự khác biệt giữa ăn và uống để có sức lực và ăn chỉ để sướng mồm".
Ông Steven C. Anderson, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia, đại diện cho 858.000 doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ, từ các quán cà phê nhỏ đến các chuỗi lớn như McDonald's, cho hay vụ kiện đã thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng và cả các ông chủ doanh nghiệp lớn. "Song bản thân tôi thấy những vụ kiện như vậy thấy chúng thật phù phiếm", ông nói.
Tòa án cũng nhận thấy vậy.
Sau gần 3 tháng ầm ĩ truyền thông thế giới, ngày 22/1/2003, thẩm phán liên bang ở Manhattan đã bác bỏ đơn kiện. Ông tuyên bố làm như vậy "để mọi người phải chịu trách nhiệm về những gì họ ăn".
"Phán quyết này được hướng dẫn bởi nguyên tắc rằng, hậu quả pháp lý không nên gắn liền với việc tiêu thụ bánh mì kẹp thịt và các loại đồ ăn nhanh. Trừ khi người tiêu dùng không nhận thức được sự nguy hiểm của việc ăn những thực phẩm đó".
Thẩm phán cho biết, các nguyên đơn đã không chứng minh được rằng McDonald's có các hành vi lừa đảo và người tiêu dùng không có đủ khả năng tiếp cận thông tin về các sản phẩm. "Chẳng ai bị buộc phải ăn ở McDonald’s cả", thẩm phán nói.
Phán quyết ngay lập tức giúp kéo cổ phiếu của McDonald's tăng 5 cent trong phiên giao dịch buổi chiều, ở mức 15,39 USD.
Trước đây, liên quan cảnh báo sản phẩm từng xảy ra vụ kiện 2,9 triệu USD từ cốc cà phê nóng.