Sống đến 94 tuổi đã ít, đi bơi hằng ngày ở tuổi này càng hiếm hơn. Dù đã cao tuổi nhưng cụ ông hiện vẫn sinh hoạt, đi lại như một người bình thường.
Càng lớn tuổi, càng tập luyện mỗi ngày
Cả gia đình ông Vũ Quý Hiển, 65 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), yêu thích thể dục thể thao bắt nguồn từ cha - cụ ông Vũ Ngọc Lâu, 94 tuổi.
Những người đi bơi tại hồ bơi Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) luôn gặp một cụ ông 94 tuổi chăm chỉ, đều đặn đi bơi hằng ngày. Ông đã mang lại niềm cảm hứng tập luyện cho gia đình, con cháu và các bạn trẻ.
Cụ Lâu cười kể mỗi ngày ông bơi được 5-7 vòng hồ bơi lớn ở Rạch Miễu, tương đương với khoảng 500 - 700m. Có hôm bơi xong ở hồ lớn, ông Lâu còn sang hồ nhỏ đứng chơi trong nước.
Tinh thần thể thao lan tỏa khắp gia đình
"Chính bố đã mang lại niềm cảm hứng về bơi lội cho tôi. Các con, cháu cũng noi theo tấm gương yêu thích thể dục thể thao của bố tôi. Các thành viên trong đại gia đình lớn sắp xếp cùng đi bơi, đạp xe và chạy bộ hằng ngày để tăng cường sức khỏe, giúp cuộc sống thêm ý nghĩa.
Nhờ bơi lội và thường xuyên vận động nên sức khỏe của bố tôi được duy trì tốt. Bố tôi tự chăm sóc bản thân trong các sinh hoạt hằng ngày như ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân nên không gây gánh nặng cho gia đình" - con trai cụ Lâu, ông Vũ Quý Hiển, tự hào nói.
Ông Hiển kể lúc đầu ông chỉ chở bố đi bơi, còn ông đứng trên hồ bơi đợi. Trong thời gian đứng đợi thấy bố ông yêu thích bơi lội, ông cũng tự hỏi "sao mình lại không bơi nhỉ?".
Và những lần đưa bố đi bơi sau đó, ông cũng bơi cùng bố luôn. Không chỉ mình ông, một người anh trai và cậu em út cũng bơi theo bố luôn.
"Thấy được lợi ích từ việc tập thể dục thể thao đối với sức khỏe mà tấm gương trước mắt là bố mình. Mỗi sáng hằng ngày, tôi (65 tuổi) và nhỏ em thứ sáu (61 tuổi) đều đặn chạy xe đạp vòng quanh bờ kè Hoàng Sa, Trường Sa và chạy bộ, đi bộ tại công viên Gia Định", ông Hiển kể.
Cuối tuần vào thứ bảy, chủ nhật sẽ có thêm những thành viên khác trong gia đình ông Lâu tham gia đạp xe lòng vòng trong khu phố đi bộ hoặc khu Sa La, TP Thủ Đức. Tinh thần tập thể dục thể thao lan tỏa khắp gia đình.
Ông Hiển kể hơn chục năm nay, kể từ ngày bố ông về hưu, bố ông đi bơi đều đặn mỗi ngày.
"Với bố tôi, niềm vui mỗi ngày chính là được đi bơi. Tôi quan sát và thấy mỗi lần xuống hồ bơi bố tôi như cá gặp nước, tươi tỉnh và hưng phấn, nhanh nhẹn hơn khi ở trên bờ", ông Hiển nhận xét.
Dù đã cao tuổi nhưng cụ Lâu hiện vẫn sinh hoạt, đi lại như một người bình thường.
Trước đây cụ Lâu hay tham gia các giải bơi của người cao tuổi và đoạt nhiều giải thưởng trong các giải bơi lội. Cụ Lâu nói giờ cụ bơi theo sức của mình, khi nào mệt thì dừng lại.
Cụ Lâu hiện đang sống cùng một người con gái của cụ ở quận Phú Nhuận. Cụ thường bơi suất từ 16h30 đến 17h30, nhưng ngày nào cũng vậy, từ 15h cụ ông đã thay đồ đợi sẵn, đi ra đi vào mong đến giờ đi bơi.
Hai người con trai của cụ thay nhau chở cụ đi bơi. Một người chở cụ đi bơi vào ngày thứ bảy và chủ nhật, còn một người chở vào các ngày khác trong tuần.
Luyện tập bền bỉ ở lứa tuổi hiếm
Cô Trịnh Thị Bạch Điệp, huấn luận viên hồ bơi Rạch Miễu, cho biết cụ Lâu đã bơi rất nhiều năm tại hồ bơi này. Trước đây cụ Lâu cũng nhiều lần tham gia các giải bơi và đã đoạt giải.
Cô Điệp cho hay cũng gặp những người lớn tuổi đi bơi nhưng tuổi cao và bền bỉ như cụ thì cô chưa từng gặp.
Khi nhắc đến cụ Lâu, kiện tướng bơi lội Nguyễn Kiều Oanh thốt lên: "Quá khâm phục bác Lâu chứ! Bác đã 94 tuổi nhưng vẫn giữ được sức khỏe và chăm chỉ bơi lội mỗi ngày".
Kiều Oanh kể thêm khi tham dự cuộc thi lão tướng của TP, cụ Lâu đã đoạt giải người cao tuổi nhất.
Kiều Oanh cho rằng hiện nay có nhiều người trẻ phung phí sức khỏe, có thời gian nhưng lại không chịu tập luyện hoặc tập luyện không đúng cách. Người trẻ có thể noi gương, nhờ sự chăm chỉ tập luyện, tập đúng cách, đúng theo lứa tuổi mà cụ Lâu mới sống lâu, sống khỏe được như vậy.
Sống thọ nhờ luyện tập thể thao
Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TP.HCM, cho biết tuổi thọ trung bình của người Việt Nam: nam là 73 tuổi, nữ 76 tuổi (làm tròn). Cụ Lâu năm nay được 94 tuổi, như vậy tuổi thọ đã rất cao, hiếm gặp. Vậy mà ở tuổi này cụ còn vẫn bơi hằng ngày "quả thật là càng hiếm".
Bơi lội là một môn thể thao được tập luyện trong môi trường nước. Trong môi trường nước, trọng lượng được triệt tiêu khá lớn, xương khớp không bị chịu lực tì đè, được hoạt động tự do nên sẽ không bị đau nhức. Hơn nữa, ở dưới nước có lực cản lớn hơn không khí nên còn giúp cho cơ bắp của người tập sẽ khỏe hơn. Tập dưới nước khá an toàn vì còn tránh được nguy cơ té ngã so với các môn tập khác ở trên bờ như đi bộ, chạy bộ...
Bơi lội là môn thể thao có tính vận động cơ bắp cao, vận động được toàn thân nên rất tốt cho cơ thể.
Tuy nhiên, bác sĩ Huy Đổng lưu ý khi người già tập ở dưới nước cũng cần xem có mắc bệnh tai mũi họng hay không, bệnh ngoài da hay không. Với những người mắc bệnh tai mũi họng, da liễu thì không nên đi bơi.
Người già không nên bơi ở những hồ bơi quá sâu, nước chỉ cần đến ngang ngực để tránh nguy cơ bị đuối nước... Ngoài ra cũng cần đi lại cẩn thận để tránh té ngã do trơn trượt trong lúc lên xuống hồ bơi.
TT - Những ngày trẻ được thỏa thích vui chơi lại là những ngày mà các bệnh viện nhi thường tiếp nhận nhiều ca tai nạn ở trẻ như ngạt nước ở hồ bơi, ong đốt, rắn cắn...