vĐồng tin tức tài chính 365

Thị trường lao động cuối năm khởi sắc, đẩy mạnh kết nối cung cầu

2023-11-06 10:01

Tín hiệu tích cực của thị trường lao động

Tại Phiên giao dịch việc làm lưu động Đông Anh (Hà Nội) mới đây, chị Nguyễn Thị Tuyết (37 tuổi, quê Nam Định) đã quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí công nhân may tại 1 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, chị Tuyết cho biết, trước đây, chị là công nhân may nhưng đã nghỉ việc từ cuối năm 2022 do công ty giảm đơn hàng. Từ đó đến nay, chị làm đủ các việc bán thời gian từ phụ hàng ăn, giao hàng, trông trẻ… để mưu sinh. Nữ công nhân này vẫn luôn mong muốn có công việc ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ khi về hưu.

Tương tự, nhiều lao động từng thất nghiệp cho biết, sau thời gian tìm kiếm việc làm đầy khó khăn, ở thời điểm này, họ cảm thấy dễ dàng tiếp cận cơ hội công việc hơn thông qua nhiều kênh thông tin việc làm khác nhau, nhất là tại các sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm diễn ra liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, từ nay đến cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều ngày lễ lớn như Noel, Tết Dương dịch, Tết Nguyên đán, từ đó sẽ tác động tích cực đến xu hướng tuyển dụng, đặc biệt với các vị trí việc làm bán thời gian.

“Chúng tôi đang ghi nhận những tín hiệu tích cực của thị trường lao động vào thời điểm này. Nếu như cách đây 1 - 2 tháng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số lượng tuyển dụng ít hơn, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trên thị trường với chỉ tiêu lớn”, ông Thành nói.

Được biết, ở ngành thương mại - dịch vụ, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ với các vị trí, như nhân viên kế toán, nhân viên quản lý chất lượng, nhân viên thẩm định tài sản, nhân viên phát triển phần mềm...; nhóm ngành bán buôn, bán lẻ với các vị trí như nhân viên thu ngân, nhân viên kho, nhân viên tiếp thị sản phẩm, nhân viên bán hàng...

Đối với ngành công nghiệp - xây dựng, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành xây dựng, với các vị trí như kỹ sư tư vấn giám sát kỹ thuật, kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế kết cấu công trình, kỹ sư cầu đường...; nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo với các vị trí như kỹ sư cơ khí chế tạo máy, công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, nhân viên R&D…

Theo Đại biểu nhân dân, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm từ 1 - 2 năm là chủ yếu. Tuỳ theo yêu cầu và từng vị trí việc làm, doanh nghiệp sẽ chi trả các mức lương khác nhau với các phân khúc từ 5 - 10 triệu đồng/tháng; từ 10 - 15 triệu đồng và lương trên 20 triệu đồng.

Ông Thành nhận định, quý 4/2023, trên địa bàn thành phố sẽ cần từ 35.000 - 45.000 lao động; nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tập trung ở một số lĩnh vực, ngành nghề như thương mại - dịch vụ; hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại điện tử, xây dựng, tài chính - ngân hàng, văn phòng, dự báo cũng đều có xu hướng tuyển dụng tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang dần thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để phát triển, mở rộng; vì thế, công nghệ thông tin vẫn là nhóm có nhu cầu tuyển dụng tương đối tốt.

Cũng giống như Hà Nội, thị trường lao động tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. 

Trao đổi với Công an nhân dân, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM cho biết: “Hiện đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu ấm dần lên, nhưng cũng chỉ mới phục hồi khoảng 80% so với trước đây. Mặc dù thị trường xuất khẩu chưa đạt mục tiêu như những năm trước, nhưng đây cũng là động lực để các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho những tháng cuối năm”.

Ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ cũng đang có tín hiệu phục hồi. Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 khó đạt mục tiêu 17 tỷ USD như đã đề ra hồi đầu năm, nhưng với tình hình đang khởi sắc như hiện nay, dự kiến cả năm kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt 14 - 14,5 tỷ USD. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cũng thông tin, đến cuối quý 3/2023 nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận được đơn đặt hàng trở lại, đặc biệt là đơn hàng của khách hàng truyền thống. Đơn hàng nhìn chung có quy mô nhỏ hơn và giá thấp hơn trước, nhưng một số doanh nghiệp đã có đơn hàng kéo dài đến quý 1/2024, là điều đáng mừng, cũng là nỗ lực của doanh nghiệp để giữ chân người lao động.

Đẩy mạnh kết nối cung-cầu lao động

Theo nhận định của các chuyên gia, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế kéo theo thị trường lao động, tăng trưởng.

Kinh tế - Thị trường lao động cuối năm khởi sắc, đẩy mạnh kết nối cung cầu

Tăng cường kết nối cung - cầu để điều tiết thị trường lao động những tháng cuối năm. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Nhận định từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong quý 4, 2 địa phương cần nhiều lao động nhất là Tp.HCM với hơn 80.000 vị trí làm việc, Bình Dương hơn 10.000 vị trí làm việc. 70% nhu cầu tập trung ở nhóm lao động có tay nghề cao, lao động phổ thông. Để kết nối người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu, các địa phương đang liên kết với nhau để phân bố nguồn nhân lực đồng đều hơn.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Tp.HCM cho biết, ngay trong tháng 11 đơn vị này sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm giữa người lao động thành phố với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ. “Doanh nghiệp có nhu cầu thì liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm, chúng tôi giới thiệu miễn phí. Còn người lao động có nhu cầu tìm việc thì từ trước tới nay chúng tôi không thu phí. Ngoài các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, sàn giao dịch trực tuyến sẽ liên tục cập nhật các vị trí việc làm mới để người lao động dễ tiếp cận”, bà Thục thông tin.

Tại Hà Nội, để phát triển, ổn định thị trường lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, Sở LĐTBXH Tp. Hà Nội giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục tăng cường công tác thu thập thông tin, bám sát thị trường lao động để kịp thời cung cấp thông tin điều tiết, vận hành, quản lý thị trường lao động, hỗ trợ việc phục hồi nền kinh tế. Đồng thời, phân tích, dự báo thị trường lao động, từ đó, hoạch định các chính sách, chương trình liên quan đến lao động, việc làm, an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, doanh nghiệp.

Cùng với đó, thực hiện tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công thiết yếu về bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo quy định, nhằm hỗ trợ người lao động thuận tiện trong việc thực hiện khai báo thông tin, nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến…

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong 10 tháng năm 2023, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 186.177 lao động, đạt 114,9% kế hoạch giao trong năm, tăng 3.150 việc làm mới được tạo ra, tương đương tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 10, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức được 23 phiên giao dịch việc làm với 682 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là gần 12.800 người.

Minh Hoa (t/h)

Xem thêm: lmth.804436a-uac-gnuc-ion-tek-hnam-yad-cas-iohk-man-iouc-gnod-oal-gnourt-iht/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thị trường lao động cuối năm khởi sắc, đẩy mạnh kết nối cung cầu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools