Trong đợt thị trường giảm điểm kéo dài vừa qua, thực tế có không ít cổ phiếu bị bán giải chấp, cả từ cổ đông lớn lẫn nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Hàng chục triệu cổ phiếu xả ra thị trường
Mới đây Chứng khoán BIDV (BSC) thông báo bán giải chấp gần 42 triệu cổ phiếu NVL của Novaland thuộc sở hữu NovaGroup và Diamond Properties nhằm xử lý tài sản bảo đảm cho loạt mã trái phiếu.
Số chứng khoán cầm cố này gồm 4,2 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu Diamond Properties và hơn 37,5 triệu do NovaGroup nắm. Dự kiến giao dịch từ 1-11 đến khi bán hết tài sản đảm bảo. BSC cũng nêu bán giải chấp này theo "chỉ định của người sở hữu trái phiếu".
Cả NovaGroup và Diamond Properties đều là cổ đông lớn của NVL. Tính đến 6-9-2023, Diamond Properties nắm giữ hơn 180 triệu cổ phiếu (9,2% vốn), còn NovaGroup hơn 405 triệu cổ phiếu (20,8% vốn).
Động thái bán ra này cùng thời điểm HoSE quyết định đưa cổ phiếu NVL ra khỏi diện cảnh báo (từ 3-11) khi công ty khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị cảnh báo.
Kết thúc phiên 3-11, giá mỗi cổ phiếu NVL đạt 14.550 đồng, tăng gần 42% từ mức giá thấp nhất thiết lập từ đầu tháng 3-2023 nhưng vẫn còn khoảng cách xa với vùng 22.000 đồng (8-9-2023).
Một cổ phiếu khác cũng có mặt trong danh sách cổ phiếu bị bán giải chấp gần đây là VNE của Tổng công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam.
Cụ thể Chứng khoán HD (HDS) mới có thông báo kết quả bán giải chấp 121.200 cổ phiếu VNE.
Trước đó, lãnh đạo VNE cũng bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu. Kết ngày 3-11, cổ phiếu VNE có giá 6.040 đồng/cp, giảm 46,07% sau 1 tháng với 7 phiên sàn liên tiếp.
Liệu có làn sóng bán giải chấp?
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Nghiêm Sỹ Tiến - chuyên viên phân tích chiến lược đầu tư Chứng khoán KBSV - nhận định thường việc bán giải chấp cổ phiếu sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực cho thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn.
"Một số doanh nghiệp mới bị bán giải chấp nhưng vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó cổ phiếu NVL bị bán giải chấp 42 triệu theo chỉ định phía trái chủ của NVL. Số lượng cũng lớn nhất từ trước đến nay", ông Tiến cho biết.
Ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam - nhận xét vụ giải chấp NVL khá đặc thù, bởi không phải do giá cổ phiếu giảm, mà xuất phát từ yêu cầu người sở hữu trái phiếu.
"Cổ phiếu NVL không nằm trong danh mục được cấp margin. Việc bị giải chấp lần này bản chất là hoạt động thanh lý tài sản đảm bảo khi chủ sở hữu trái phiếu yêu cầu", ông Minh nói. Trong khi với cổ phiếu VNE, giải chấp do giá nhưng khối lượng không nhiều.
Theo tính toán của ông Minh về ngưỡng margin, trong ngắn hạn chưa phải lo ngại về làn sóng bán giải chấp. "Chứng khoán khó giảm sâu hơn nữa. USD hạ nhiệt, các rủi ro vĩ mô giảm đáng kể. Kỳ vọng thị trường tăng điểm trở lại là có", ông Minh nhận định.
Tuy nhiên, về trung hạn, vị chuyên gia nói khó đưa ra dự báo việc có đợt giải chấp diện rộng không. Bởi thị trường tăng kéo dài hay không phụ thuộc vào đà phục hồi kinh tế, nhưng đến nay dự báo tăng trưởng năm 2024 vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều.
Còn theo ông Tiến, nhiều vụ bán giải chấp có thể tạo ra tâm lý không tốt lan tỏa lên các cổ phiếu khác. Vô hình chung xảy ra tình trạng bán tháo trong khi về mặt cơ bản hay thông tin doanh nghiệp đều không có vấn đề quá tiêu cực.
"Làn sóng bán giải chấp có thể diễn ra khi các cổ phiếu liên tục điều chỉnh sâu. Trong thời điểm hiện tại, mặc dù thị trường đã có vài phiên hồi phục tích cực song giai đoạn vẫn tương đối nhạy cảm do xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn vẫn đang là chủ đạo", ông Tiến nhận định.
Cũng theo vị này, thị trường có thể gặp áp lực điều chỉnh một lần nữa tại các vùng kháng cự khi trên 1.100 điểm. Khi chỉ số rơi vào nhịp điều chỉnh sâu hơn, có khả năng xuất hiện thêm một vài đợt bán giải chấp nữa, chuyên gia KBSV dự báo.
Chỉ trong vài ngày gần đây, hàng loạt lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp lớn bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Nhiều sếp lớn cũng chủ động 'thoát hàng'.