"Việc này (việc Mỹ chuyển giao chiến đấu cơ F-35) làm tăng áp lực quân sự đối với Nga" - Hãng thông tấn RIA dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói hôm 3-11, bên lề Diễn đàn kinh tế Á - Âu Verona ở thành phố Samarkand, Uzbekistan.
Ông Grushko cho rằng động thái trên của Mỹ là một phần trong chính sách nhằm kiềm chế các hoạt động của Matxcơva. "Chính vì thế, mọi biện pháp phòng thủ về kỹ thuật - quân sự cần thiết sẽ được thực hiện" - ông Grushko tuyên bố.
Tiêm kích F-35 không chỉ có thể mang theo khoảng bốn tên lửa không đối không (AAM) mà còn được thiết kế để ném bom hạt nhân. Được trang bị khả năng "né" các radar định vị, F-35 thường được triển khai tại các khu vực biên giới Nga - Đông Âu, biên giới Nga ở Bắc Cực, và biên giới Nga ở Tây Thái Bình Dương.
Trước mối đe dọa từ tiêm kích F-35 của phương Tây, Nga đã tăng cường đầu tư nhiều vào các loại phương tiện có khả năng phòng thủ, trong đó có mạng lưới phòng không như hệ thống tên lửa phòng không S-400, S-500.
Trong đó, hệ thống S-500 mới đã cung cấp khả năng vô hiệu hóa các vệ tinh và máy bay tiếp nhiên liệu trên không ở phạm vi cực xa.
Không những vậy, Nga còn đầu tư rất nhiều vào việc tăng cường năng lực tấn công các căn cứ không quân được cho là có máy bay ném bom F-35 trên khắp lãnh thổ của đối phương, bao gồm cả Mỹ.
Tạp chí Newsweek dẫn lời một số chuyên trang quân sự của Mỹ cho biết bom hạt nhân B61-13 mà Mỹ đang nghiên cứu, nếu được thả từ tiêm kích F-35 có thể giết chết hơn 310.000 người ở thủ đô Matxcơva. Newsweek còn cho biết phạm vi ảnh hưởng của loại bom hạt nhân này là cực kỳ rộng lớn.
Theo đó, bất cứ thứ gì trong bán kính khoảng 0,8km gần khu vực quả bom phát nổ đều sẽ bị bốc hơi. Những sinh vật nằm trong bán kính khoảng 3,2km của vụ nổ sẽ chết sau một tháng do nhiễm bức xạ. Không những vậy, 15% số người sống sót sẽ chết vì ung thư và rất nhiều người bị bỏng từ ảnh hưởng của quả bom.
Trước đó hôm 27-10, quân đội Mỹ đã công bố kế hoạch phát triển loại bom B61-13 mới, dự kiến có sức công phá tối đa khoảng 350 kiloton, nhiều hơn rất nhiều so với sức công phá tối đa khoảng 50 kiloton của phiên bản B61-12.
Để so sánh, trang Defense News cho biết sức công phá của bom B61-13 lớn gấp 24 lần quả bom được thả xuống Hiroshima và gấp khoảng 14 lần quả bom thả xuống Nagasaki trong thế chiến 2.
Theo trang Popular Mechanics, dòng bom B61 có thể được ném xuống từ những loại máy bay ném bom như B-2, B-21 hay các máy bay chiến đấu như F-35, F-15E, F-16.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết nước này sẽ tính toán các kế hoạch quân sự khác nhằm trả đũa việc Mỹ chuyển 54 tiêm kích F-35 mang vũ khí hạt nhân đến Anh.