Dù có quy định giữ yên lặng tại các phòng bệnh ở bệnh viện, nhưng nhiều bệnh nhân, người nhà lại buôn chuyện bất kể ngày đêm, giờ giấc. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến những bệnh nhân còn lại, khi họ cần nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe trong thời gian nằm viện.
Bệnh nhưng vẫn nói rổn rảng, gọi điện thoại khắp nơi
Chị N.H. (ngụ TP.HCM) chia sẻ mình đã có "trải nghiệm khó quên" sau 5 ngày nằm viện tại một bệnh viện tuyến huyện để điều trị viêm phế quản. Chị H. là bệnh nhân thứ 4 và cũng là người mắc bệnh nhẹ nhất trong phòng bệnh nội trú có bốn giường, có máy lạnh, tủ lạnh, tivi.
Chị H. đánh giá bác sĩ, điều dưỡng giao tiếp với bệnh nhân lịch sự, tuy nhiên ba bệnh nhân còn lại (hai người bị đái tháo đường, một người bị rối loạn tiêu hóa) tại phòng bệnh thì "tám" vô độ, bất kể giờ giấc.
Dù chân tay sưng phù sau một ngày nhập viện, biến chứng ảnh hưởng tới mắt, thận, nhưng bệnh nhân đái tháo đường (48 tuổi) miệng lại khỏe nói, liên tục rổn rảng gọi điện thoại, gọi video call khắp nơi.
"Lúc thì gọi cho con nợ hỏi sao hôm nay mày không góp tiền cho tao. Lúc thì gọi cho cháu ngoại, cháu nội, con gái, con dâu tám cả nửa tiếng đồng hồ, bất kể buổi trưa hay buổi tối, như đang ở chốn không người", chị H. kể.
Dù được điều dưỡng nhắc nhở không rời phòng bệnh về nhà, nhưng bệnh nhân trên và bệnh nhân rối loạn tiêu hóa vẫn về nhà mỗi ngày một, hai lần. Có lần bệnh nhân đái tháo đường 48 tuổi về nhà từ 16h đến gần 23h mới vào phòng bệnh, xong mở loa lớn để nghe tin "củi lửa" chống tham nhũng, hài nhảm...
Người bệnh đái tháo đường còn lại trong phòng đã gần 70 tuổi. Bà có cô con gái đi nuôi bệnh cũng tham gia "tám" chung với bệnh nhân đái tháo đường 48 tuổi trên. Rồi bệnh nhân rối loạn tiêu hóa 59 tuổi là hàng xóm của bệnh nhân đái tháo đường 48 tuổi cũng gia nhập.
"Tám" từ quán cháo lòng đến ngoại tình
Chị H. cho hay hội "bà tám" trên nói đủ thứ chuyện trên đời, từ quán cháo lòng nào ngon, hàng bún riêu nào dở, đến ông A ngoại tình, bà B bị xe tông suýt chết...
Phòng siêu âm yên tĩnh hơn nhưng vẫn có một bệnh nhân gần 80 tuổi mà "tám" toàn tin giật gân. Bà bắt chuyện với bà cụ trẻ hơn ngồi kế bên, nhưng bà này trả lời nhát gừng, không hợp tác lắm. Như để tăng đô, bà cụ gần 80 tuổi nói: "Ở dưới quê bây giờ ghê lắm nha, thanh niên mà đi hiếp dâm bà già 70, 80 tuổi không hà". Không ai hưởng ứng, chỉ có cậu thanh niên ngồi gần bà cụ, đỏ cả mặt...
Năm ngày ở phòng bệnh truyền kháng sinh điều trị viêm phế quản, theo chị H., không khác gì cái chợ.
Chị H. nói: "Tôi biết tại những đoạn đường ở gần bệnh viện thường có gắn biển báo với hình chiếc giường bệnh để tài xế đi ngang qua không bóp còi xe gây ồn. Nhưng các bà tám lại không biết phải giữ im lặng tuyệt đối tại bệnh viện. Chắc phải dạy cho con trẻ chuyện này từ bé, chứ khi nó lớn lên thành bà ngoại, bà nội rồi thì làm sao mà dạy được".
Tương tự, 21h trong phòng chăm sóc các mẹ sau sinh tại một bệnh viện ở Hà Nội, khi nhiều mẹ bỉm sữa trằn trọc bởi những cơn đau sau sinh thì tiếng nói chuyện của người nhà vẫn rôm rả.
"Ngày xưa tôi đi đẻ dễ lắm, lên trạm xá, vèo cái là đẻ xong. Không như tụi trẻ bây giờ, lên bệnh viện lớn, động đau chút là chuyển qua mổ đẻ", người phụ nữ trung niên nói. Tiếp lời, người phụ nữ bên cạnh cũng kể lại chiến tích đi đẻ của mình, những câu chuyện không hồi kết.
Chốc chốc chị Hiền (vừa mổ đẻ) cố nhích người cho đỡ mỏi, gương mặt cau lại vì vết mổ, thều thào nói với người mẹ đi chăm: "Mẹ nói nhỏ thôi, con ngủ chút".
Buổi tối đã vậy, ban ngày các mẹ trong phòng sau sinh cũng chẳng được nghỉ ngơi. Từng đoàn từng đoàn khách tới phòng bệnh thăm, trong căn phòng nhỏ chưa đầy 30m2, 4 sản phụ cùng 4 đứa trẻ sơ sinh nhưng có lúc chứa đến 15 người, cùng tiếng hỏi han trò chuyện ồn ào.
Trẻ sơ sinh ngủ không được, giật mình, òa khóc liên tục. Sản phụ thì thở dài chia sẻ chỉ muốn nhanh chóng về nhà để được nghỉ ngơi.
"Bệnh nhân là thượng đế, nhưng thượng đế được làm đến đâu?"
Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 ca cấp cứu, 1.600 bệnh nhân nội trú và hơn 3.000 bệnh nhân khám ngoại trú, đại diện Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết bệnh viện đã ra quy định mỗi bệnh nhân chỉ được một người thân thăm, chăm sóc với những khung giờ cụ thể nhằm hạn chế tình trạng tập trung đông đúc.
Tại phòng bệnh nói riêng và trong bệnh viện nói chung đều quy định bệnh nhân và người thân cần giữ yên lặng, trật tự. Tuy nhiên thực tế không tránh khỏi một số bệnh nhân và người nhà vô tư nói chuyện ở phòng khám, phòng bệnh nội trú, ảnh hưởng đến các bệnh nhân còn lại. Vì là quy định của bệnh viện, nên những người này chỉ được nhắc nhở.
Tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, ông Mai Đức Huy - phó giám đốc bệnh viện - cho hay bệnh viện có quy định về thời gian thăm nuôi, số người nhà chăm sóc bệnh nhân, có nhắc loa thông báo người nhà tuân thủ các quy định về chăm sóc thăm nuôi bệnh nhân, trong đó có giữ yên lặng, trật tự.
PGS Nguyễn Hoài Nam - nguyên trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 2) - cho rằng bên cạnh nhiều người có ý thức văn hóa ứng xử khi khám bệnh, nhập viện điều trị thì ngược lại cũng có những người xem mình là thượng đế, muốn làm mọi việc theo ý thích, nói chuyện gây ồn ào, không giữ vệ sinh chung, thậm chí gây sự khi bị nhắc nhở.
"Chúng ta hay nói rằng phải coi bệnh nhân là thượng đế nhưng không nêu rõ là thượng đế được làm đến đâu. Chính vì vậy nhiều người bệnh không ý thức giữ vệ sinh chung, mang đồ đạc vào phòng rất nhiều, rồi nói chuyện, cười to tiếng...
Khi bị nhắc nhở, có người chửi mắng luôn nhân viên y tế. Đây là do việc ứng xử văn hóa khám, điều trị bệnh của chúng ta chưa được tốt; muốn khắc phục cần xây dựng nền văn hóa này tốt hơn, với những quy định gắt gao hơn", PGS Nam nói.
Theo bác sĩ Hà Ngọc Cường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ), thực tế việc người nhà và bệnh nhân đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện không tuân thủ quy định giữ trật tự khá phổ biến.
Bệnh viện là nơi khá đặc thù, bệnh nhân tùy mức độ bệnh tật có sự chăm sóc, thời gian nghỉ ngơi khác nhau. Vì vậy, người thân, người bệnh nên tuân thủ quy định, tránh làm ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của các bệnh nhân khác.
Ngày 30-10, ông Nguyễn Xuân Việt, giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, cho hay kho máu bệnh viện hiện chỉ còn 5 đơn vị máu B, 3 đơn vị tiểu cầu…