Báo chí thân Ả Rập mô tả tình hình giao tranh giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine ở Dải Gaza là một cuộc "thảm sát", trong bối cảnh Israel quyết tâm xóa sổ Hamas.
Mỹ ngửa bài
Hiện nay, Mỹ và Iran được xem là hai trong số những nhân tố chính ảnh hưởng lớn tới cuộc xung đột này. Nhưng cả hai đều chưa mang lại hy vọng cho ít nhất một thỏa thuận tạm ngừng bắn vì lý do nhân đạo.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã quay lại Trung Đông lần thứ ba và có hàng loạt cuộc tiếp xúc với giới chức của cả Israel, Palestine và các nước Ả Rập, bao gồm một chuyến đi tới Iraq vốn không được thông báo trong lịch trình.
Giới quan sát nhận định Mỹ vẫn là nước có tiếng nói ảnh hưởng lớn nhất tới quyết định của Israel. Nhưng sau khi cùng Israel bỏ phiếu phản đối yêu cầu ngừng bắn tại Liên Hiệp Quốc, Washington dường như đang "ngửa bài" trong sự thất vọng của nhiều bên.
Mahjoob Zweiri, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh (ĐH Qatar), cho rằng ngoại trưởng Mỹ đang thay đổi cách nước Mỹ tường thuật về cuộc chiến ở Gaza.
Ông nhận xét: "Trước đây, chúng ta thấy một kiểu tường thuật rằng Israel có quyền tự vệ. Giờ trong chuyến đi này, ông Blinken cố gắng khẳng định Mỹ vẫn sẽ ủng hộ người Israel, và tất cả nên bắt đầu suy nghĩ về một Gaza hậu Hamas".
Trên thực tế, dư luận đã lưu ý việc Mỹ cam kết ủng hộ Israel "đạt được mục tiêu" tại Gaza, tức là xóa sổ Hamas. Đây là tuyên bố của Israel khi tấn công Gaza, vì việc tiêu diệt Hamas "một lần và mãi mãi" là cách để Israel ngăn chặn các vụ tấn công như ngày 7-10 diễn ra trong tương lai.
Khi nhận được câu hỏi này ở Tel Aviv ngày 3-11, ông Blinken nhấn mạnh Mỹ muốn giúp Israel bảo vệ người dân, "đảm bảo điều này không bao giờ xảy ra nữa".
Trong khi đó, Iran là nước bảo trợ cho Hamas và là đồng minh của Tổ chức Hồi giáo Hezbollah ở Libăng. Tehran cũng được xem có tiếng nói quyết định tới khả năng cuộc chiến Israel - Hamas lan rộng.
Trên mạng xã hội hôm 5-11, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohamed Reza Ashtiani cảnh báo Mỹ hãy lập tức ngừng cuộc chiến ở Dải Gaza và thực thi một lệnh ngừng bắn nếu không muốn "hứng chịu hậu quả nặng nề".
Cho đến nay, Iran chưa đưa ra tuyên bố cụ thể nào về Israel - Hamas, ngoại trừ việc khẳng định lập trường ủng hộ sự phản kháng của người Hồi giáo Palestine.
Trong phát biểu mới đây được Hãng thông tấn IRNA dẫn lại, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Khamenei cũng lặp lại quan điểm này, đồng thời chỉ trích sự ủng hộ trực tiếp của Mỹ và một số nước phương Tây dành cho Israel.
Lãnh đạo Mỹ, Iran cũng như Hezbollah đều đã chính thức lên tiếng về xung đột Israel - Hamas, nhưng chưa ai rõ đâu là "lằn ranh đỏ" dẫn tới xung đột lan rộng.
Không bây giờ thì bao giờ?
Sự mơ hồ của Mỹ và Iran nhiều khả năng được xây dựng một cách có chủ đích, nhằm giúp cả hai còn dư địa để quản lý xung đột và bảo vệ các lợi ích liên quan. Nhưng diễn biến tới nay cho thấy kịch bản u ám đang chờ đợi Trung Đông, với rất ít khả năng cuộc chiến Israel - Hamas giải quyết xung đột căn bản tại khu vực này.
Trong số tháng 7 và tháng 8, tạp chí Foreign Affairs dẫn một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) gần đây, sử dụng số liệu từ năm 1946 - 2021, cho thấy có 26% cuộc chiến tranh kết thúc ít hơn một tháng và 25% các cuộc chiến kết thúc trong vòng một năm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra khi các cuộc chiến kéo dài hơn một năm trung bình chúng sẽ... rất dài, hàng thập niên.
Đó là sự lo ngại dành cho tình hình chiến sự Ukraine - Nga, vốn gần như chắc chắn kéo tới hết năm thứ hai (tính từ tháng 2-2022). Nhưng đó cũng là dữ liệu không mấy tốt đẹp cho thế cục có thể dự đoán về xung đột Israel - Hamas.
Theo nhận xét của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh), để tiêu diệt toàn bộ lãnh đạo của Hamas như mục tiêu đặt ra, Israel phải tốn nhiều năm chứ không phải nhiều tháng.
Trong chiến tranh cũng ít có khả năng một quốc gia nào đó giành được chiến thắng tuyệt đối. Điều này đồng nghĩa sau cùng các bên đều phải nhượng bộ đôi chút. Vấn đề là khi nào họ sẽ chấp nhận nhượng bộ, thu hẹp các mục tiêu của mình để đạt được cái gọi là "chiến thắng".
Điều quan trọng nhất ở chỗ, khác với một cuộc chiến đơn thuần, căng thẳng Israel - Hamas bắt nguồn từ nhiều mâu thuẫn chồng chéo về chính trị, lợi ích, lãnh thổ, tôn giáo... Hamas lấy danh nghĩa người Hồi giáo và người Palestine để đứng lên, và nhận được sự ủng hộ ít nhiều của cộng đồng người đạo Hồi vốn không thân thiện với người Do Thái Israel.
Nói cách khác, kể cả khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn, vẫn còn ít nhất một chục tổ chức chính trị - vũ trang khác có thể là Hamas thứ hai, thứ ba, thứ tư...
Sự việc ngày 7-10 và những gì đi sau nó có thể là bước ngoặt thay đổi Trung Đông một lần nữa. Cuộc xung đột ở Gaza làm chậm tiến trình hòa giải ở khu vực, thậm chí khoét sâu căng thẳng giữa Israel với Iran cũng như với phần còn lại.
4.000
Cuộc chiến càng kéo dài thì tính mạng của hơn 2,3 triệu người Palestine tại Dải Gaza lại càng bị đặt vào thế nguy hiểm. Hôm 6-11, cơ quan y tế ở Dải Gaza do Hamas kiểm soát nói ít nhất 9.770 người đã chết ở Gaza trong một tháng qua, bao gồm khoảng 4.000 trẻ em.
Các số liệu cho thấy cuộc chiến Israel - Hamas cũng khiến không dưới 100 nhân viên Liên Hiệp Quốc và nhà báo mất mạng. Nhưng khủng hoảng nhân đạo sẽ chưa dừng lại nếu kịch bản chiến tranh lan rộng khắp Trung Đông thực sự xảy ra.
Sau khi đảm nhận vị trí chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để khôi phục hòa bình ở Trung Đông.