Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Nhật Bản có tới 2/3 người dùng đồng thời cả hai loại thuốc lá này.
Hút thuốc lá điếu mới "đủ đô"
Trong quán cà phê nhỏ tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội, anh Hưng, 28 tuổi (tên nhân vật đã được thay đổi) đặt gọn chiếc Pod (thuốc lá điện tử) và bao thuốc lá điếu trên bàn. Uống ngụm cà phê, anh Hưng lại cầm chiếc Pod hít một hơi, nhả ra làn khói dày trắng xóa. 10 phút sau, anh tiếp tục hút thêm 2 điếu thuốc lá thường.
Anh Hưng chia sẻ bản thân hút thuốc lá từ khá sớm, khi bắt đầu vào đại học. "Lần đầu xa nhà, bạn bè rủ nên cũng hút cho vui. Mới đầu thi thoảng làm một điếu, rồi dần thành quen. Hai ngày hết một bao, sau đó một ngày hết một bao.
Có thời điểm hút nhiều quá cũng thấy cơ thể mệt mỏi. Sau đó, thấy nhiều người nói thuốc lá điện tử hút tốt hơn, đỡ mệt hơn. Ba năm trở lại đây, tôi bắt đầu hút thuốc lá điện tử. Mới đầu định chuyển qua hẳn thuốc lá điện tử, nhưng hút một thời gian thấy không "đủ đô", hút rồi vẫn thấy nhạt mồm nên lại hút thuốc lá điếu", anh Hưng nói.
Sau đó, anh Hưng chọn cách dùng đan xen cả hai loại. Khi ở chỗ đông người hoặc về nhà anh sẽ dùng thuốc lá điện tử để đỡ mùi, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Thuốc lá điếu sẽ hút khi ở nơi vắng, ít người hơn.
Cũng cùng một lúc sử dụng cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu, Hoa (19 tuổi) thi thoảng phả ra làn khói có hương thơm dễ chịu từ chiếc Pod của mình. Hoa chia sẻ từ cuối năm cấp ba đã bắt đầu hút thuốc lá điện tử.
"Hầu hết trong lớp các bạn đều hút, thi thoảng đổi cho nhau cho khác vị. Hút thuốc lá điện tử được khoảng một năm thì bắt đầu số lần hút nhiều lên, trước mỗi ngày chỉ hít 8-9 hơi/ngày. Sau đó 15-20 hơi một ngày cũng không thấy đã.
Mọi người nói mua thêm tinh dầu loại "nặng" nhưng mình sợ nặng quá, ngộ độc như nhiều báo đài nói nên hút thêm thuốc lá điếu. Thuốc lá điều thì nicotine nhiều hơn, cảm giác "phê" hơn. Ngày mình chỉ hút thêm 3-4 điều thôi nên chắc không sao", Hoa chia sẻ.
Quảng cáo nhan nhản, sản phẩm bắt "trend"
Ngoài những quảng cáo "thổi phồng" về công dụng thuốc lá điện tử không độc hại và có thể cai thuốc lá điếu.
Để tiếp cận giới trẻ, những sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, quảng cáo với tần suất "chóng mặt" trên nhiều nền tàng xã hội. Những chiếc pod (thuốc lá điện tử) với đủ hình dạng dễ dàng qua mắt được phụ huynh, thầy cô giáo.
Chúng có thể là những chiếc bút, chiếc tẩy, hay thậm chí bên ngoài giống như những hộp sữa, hộp trang điểm, chai nước hoa, lego.
Giá của những chiếc pod này giao động chỉ từ 30.000 đồng đến 300.000 đồng tùy từng loại. Thậm chí, những trang quảng cáo đăng tải hình ảnh người nổi tiếng cũng sử dụng thuốc lá điện tử để lôi kéo giới trẻ, như một thú chơi thể hiện "đẳng cấp".
Thậm chí, tại Hoa Kỳ các nhà chức trách cho hay những "chiêu trò" tiếp thị nhắm vào giới trẻ bằng việc cung cấp học bổng cho sinh viên; quảng bá trên trang mạng xã hội' tài trợ cho lễ hội và sự kiện âm nhạc hay sử dụng những hương vị mới để thu hút giới trẻ.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu cho phép sử dụng sản phẩm này sẽ khiến giới trẻ sử dụng dễ dàng và gia tăng mạnh mẽ.
Có con đang học trung học phổ thông, chị Hoa (Hà Nội) không khỏi bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh các con vô tư xả khói ngay gần cổng trường.
Chị Hoa lo lắng, những thứ các con cầm trên tay tưởng chừng rất "dễ thương" hay "sành điệu" nhưng lại tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường.
"Từ ngày thấy hình ảnh ấy, tôi thường xuyên kiểm tra túi xách của con. Thấy con có vật dụng lạ, từ chiếc bút mới, cục tẩy hay lego tôi đều phải kiểm tra kỹ xem có phải thuốc lá điện tử không. Việc mua thuốc lá điện tử quá dễ dàng, với bao bì thay đổi từng ngày khiến phụ huynh như chúng tôi khó có thể kiểm soát hết", chị Hoa bộc bạch.
Tại sao thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu?
PGS, TS Phan Thu Phương, giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay thuốc lá điện tử từng được kỳ vọng sẽ giúp cai được thuốc lá truyền thống và giảm các tác hại, nhưng thực tế lại đang gây nghiện cho nhiều người trẻ.
"Nhiều công trình nghiên cứu khẳng định, hút thuốc lá điện tử vẫn có nguy cơ gây ung thư và không giúp cai nghiện thuốc lá mà còn gây nghiện. Đồng thời trong tinh dầu thuốc lá điện tử vẫn có lượng nicotin nhất định, khi sử dụng nếu không có sự kiểm soát thì sẽ không cai được thuốc lá và vẫn phụ thuộc vào nicotin.
Dần dần khi nồng độ nicotin trong thuốc lá điện tử không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của cơ thể thì người hút sẽ quay trở lại với thói quen hút thuốc lá đốt thông thường", bác sĩ Phương phân tích.
Vào tháng 1 năm 2020, báo cáo của Bác sĩ phẫu thuật trưởng Hoa Kỳ đã kết luận rằng "do thuốc lá điện tử là một nhóm sản phẩm liên tục thay đổi và không đồng nhất, được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, nên rất khó để đưa ra kết luận khái quát về hiệu quả cai thuốc dựa trên các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến một loại thuốc lá điện tử cụ thể, và hiện tại không có đủ bằng chứng về việc thuốc lá điện tử nói chung có làm tăng khả năng cai thuốc lá hay không".
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh thuốc lá điện tử có thể giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống.
Các đơn vị của Công an Đà Nẵng vừa tiến hành kiểm tra chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh thuốc lá điện tử thuộc dạng lớn nhất Đà Nẵng. Công an đã tạm giữ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ trị giá khoảng 1 tỉ đồng.