Luật sư tư vấn
Sự kiện bất khả kháng
"Sự kiện bất khả kháng" là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (căn cứ khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự 2015).
Hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Khác với "sự kiện bất khả kháng" đã được quy định từ lâu trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam, "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam là vào năm 2015 (Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015).
Bộ luật Dân sự 2015 không đưa ra định nghĩa "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" là gì; thay vào đó quy định "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" khi có đủ các điều kiện sau đây:
(i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng.
(ii) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh.
(iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác.
(iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.
(v) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Cách áp dụng "sự kiện bất khả kháng", "hoàn cảnh thay đổi cơ bản"
Căn cứ các quy định nêu trên, thực tế sẽ xảy ra một ba trường hợp: "sự kiện bất khả kháng"; "hoàn cảnh thay đổi cơ bản"; đồng thời được coi là "sự kiện bất khả kháng" và "hoàn cảnh thay đổi cơ bản".
Đối với trường hợp đồng thời được coi là "sự kiện bất khả kháng" và "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" thì bên bị ảnh hưởng của sự kiện/hoàn cảnh đó cần phải xem xét quyết định viện dẫn lý do nào. Cụ thể:
(i) Nếu viện dẫn "sự kiện bất khả kháng" thì bên viện dẫn phải đưa ra lý do việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình do sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhằm mục đích miễn trừ nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại hoặc làm căn cứ chấm dứt hợp đồng.
(ii) Nếu viện dẫn "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" thì bên viện dẫn phải đưa ra lý do nhằm thỏa thuận lại hợp đồng để tiếp tục thực hiện hợp đồng với các điều khoản sửa đổi đó.
Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án: Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản (tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi).
Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ví dụ: Hợp đồng thuê nhà 12 tháng nhưng do Covid-19, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu đóng cửa (không buôn bán) trong 14 ngày. Như vậy, 14 ngày không thể mở cửa để kinh doanh được coi là "sự kiện bất khả kháng"; vì nó xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Đối với trường hợp này, bên vi phạm có thể đề nghị miễn trừ nghĩa vụ trong thời gian xảy ra "sự kiện bất khả kháng", miễn phạt hợp đồng khi chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền đặt cọc nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, trường hợp bên thuê nhà không có ý định chấm dứt hợp đồng mà chỉ vì Covid-19 dẫn đến hoạt động kinh doanh giảm sút, giảm lợi nhuận, việc trả tiền thuê nhà cao như ban đầu sẽ dẫn đến thiệt hại cho mình nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng thì có thể viện dẫn "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" khi thực hiện hợp đồng để yêu cầu chủ nhà (bên cho thuê) giảm giá tiền thuê nhằm cân bằng lợi ích của hai bên thì sẽ phù hợp hơn.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn Luật sư TP HCM
Xem thêm: lmth.2683764-nab-oc-iod-yaht-hnac-naoh-av-gnahk-ahk-tab-neik-us-auig-teib-cahk/ten.sserpxenv