Nông dân không thích hợp đồng với doanh nghiệp
Vừa bán lúa thu đông với giá 8.200 đồng/kg, ông Nguyễn Thành Nhơn, ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang, vẫn "tiếc" vì đã đặt cọc sớm với giá 7.400 đồng/kg từ khi đầu vụ nên nay phải bán lúa với giá 8.200 đồng/kg.
"Năm nay lúa trúng giá nhưng không trúng mùa. Vì năng suất khoảng 6 tấn/ha giống lúa OM380, bình quân bà con thu hoạch bán trên 50 triệu đồng/ha. Nếu trừ hết chi phí bà con lợi nhuận ít nhất 30 triệu đồng/ha, tăng hơn 10 - 15 triệu đồng/ha tùy theo cách sản xuất của mỗi người", ông Nhơn nói.
Ông Nguyễn Tài Quyết, ngụ xã Viên Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, cho biết gia đình ông làm 10 công ruộng. Vụ lúa hè thu năm 2023 bán được giá hơn 7.000 đồng/kg, lại trúng mùa, ông Quyết lời khoảng 30 triệu đồng.
"Tui làm ruộng hơn nửa đời người, nhưng chưa bao giờ vui như vậy, trúng mùa và được giá", ông Quyết cho hay. Giá lên thương lái mua lên. Nông dân càng vui.
Ông Nhơn phân tích sở dĩ nông dân không dám ký liên kết với các doanh nghiệp lớn là do các doanh nghiệp yêu cầu nông dân phải sử dụng phân, thuốc của công ty suốt cuối vụ. Đến khi giá lên cao thì công ty cho "giá lên" rất ít so với thị trường.
"Vì vậy bà con thích làm lúa tự do hơn để bán khi giá lúa lên. Còn làm cho các công ty thì họ yêu cầu nhiều thứ về quy trình, tiêu chuẩn, phải cách ly, đạt tiêu chuẩn họ đưa ra...
Bây giờ, lúa chưa sạ mà nhiều thương lái đã đặt cọc nông dân 8.000 đồng/kg rồi, ai đồng ý thì thương lái đưa cọc 500.000 đồng/công rồi. Tôi làm lúa mấy chục năm nay mà chưa bao giờ thấy giá lúa cao như hiện nay. Giá lúa "sốt" như hiện nay là tôi không thể ngờ", ông Nhơn nói thêm.
Doanh nghiệp xuất khẩu kêu thua lỗ
Ông Hà Vũ Sơn, giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, cho biết dự kiến vụ đông xuân 2023, TP Cần Thơ có 150.000 tấn gạo để xuất khẩu.
Nói về chuyện giá gạo xuất khẩu cao nhưng một số doanh nghiệp vẫn than thua lỗ, ông Sơn cho rằng một số doanh nghiệp ký hợp đồng từ đầu năm mới gặp khó khăn. Ví dụ, thời điểm đó doanh nghiệp ký hợp đồng giá 580 USD/tấn, giờ phải giao hàng ở thời điểm 630 USD/tấn thì họ phải thu mua trong dân giá tương đương 600 USD/tấn, nên cầm chắc lỗ.
"Ngay cả doanh nghiệp chủ động trước vùng nguyên liệu vẫn lỗ nhưng ít hơn do họ không ngờ giá thế giới tăng như thế. Còn doanh nghiệp nào ký hợp đồng trong khoảng tháng 6 đến tháng 8-2023 là rất tốt", ông Sơn nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cũng cho biết những doanh nghiệp không có hàng trong kho hoặc hàng trong kho ít nhưng đã ký đơn hàng lớn từ trước với giá thấp, thì sau khi xuất hết hàng tồn kho sẽ phải mua với giá cao để giao hàng, khi đó doanh nghiệp lỗ.
"Đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo có doanh số lớn nằm trong trường hợp này. Họ thường mua gạo cung ứng cho hợp đồng tại thời điểm giao hàng, không có hoặc rất ít hàng tồn kho để tránh vay và chịu lãi suất. Các doanh nghiệp này dựa vào các nhà máy xay xát nhỏ để mua gạo và khi giá lúa gạo tăng lên thì họ sẽ bị lỗ", ông Thuận nói.
Ông Lê Quốc Điền, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho hay nếu doanh nghiệp không gắn với vùng nguyên liệu thì trong những lúc như thế này rất dễ bị thua lỗ. Mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thiếu bền vững, nhất là khi giá lúa tăng mạnh.
"Đa số doanh nghiệp mua sang, bán xớt nên nông dân chưa tin tưởng vào doanh nghiệp. Do đó, câu chuyện hiện nay là hai ông nông dân và doanh nghiệp chưa ngồi lại với nhau để cùng nhau "đi cùng một xuồng" phát triển lúa gạo", ông Điền phân tích thêm.
Ông Phạm Thái Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng năm nay nhiều doanh nghiệp lỗ, có khi "chết" nhiều nữa là do sản xuất không gắn liền với tiêu thụ.
"Doanh nghiệp không có liên kết với nông dân phát triển vùng nguyên liệu thì nguy cơ lỗ. Như Trung An thì đỡ hơn vì nhiều năm qua chúng tôi đã hợp tác với nông dân. Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân là cái phát triển bền vững của ngành hàng lúa gạo" - ông Bình khẳng định.
"Bẻ kèo" sao liên kết được?
Nông dân Nguyễn Thành Nhơn cho hay do giá lúa liên tục tăng nên trong năm 2023 giữa thương lái và nông dân liên tục "bẻ kèo". Riêng ông Nhơn trồng hơn 8ha lúa OM380 nên ngay từ đầu vụ thu đông đã nhận cọc của thương lái với giá 7.400 đồng/kg.
Đến ngày thu hoạch giá lúa đã vọt lên 8.600 đồng/kg nên ông Nhơn thương lượng nâng giá lúa lên nhưng thương lái không chấp nhận. "Nên tôi trả cọc và bồi thường 400.000 đồng/công cho thương lái", ông Nhơn kể.
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, ngoài "bẻ kèo" với thương lái thì nông dân cũng "bẻ kèo" trong các hợp đồng với doanh nghiệp, ấy là khi nông dân không tin doanh nghiệp và doanh nghiệp không tin nông dân. Trong khi ngành gạo là một ngành kinh tế rất quan trọng nhưng chưa được tổ chức chặt chẽ, dẫn đến các hoạt động bị phân mảnh, hiệu quả thấp và dễ bị tổn thương.
Dù đã có khung pháp lý về liên kết là nghị định 107/2018 của Chính phủ nhưng thực tế vẫn còn khiêm tốn.
Đề xuất của Lộc Trời là nông dân nên ký với các doanh nghiệp lớn để có thể có được sự an tâm trong việc bao tiêu lúa. Doanh nghiệp đầu tư toàn bộ cho nông dân để nông dân yên tâm sản xuất. Chính quyền địa phương tổ chức liên kết sản xuất trên quy mô lớn để tạo sự bền vững trong liên kết sản xuất. Các ngân hàng tham gia tài trợ ổn định theo mùa vụ cho nông dân và doanh nghiệp.
"Lộc Trời đang triển khai hợp đồng liên kết với điều khoản ràng buộc rõ ràng là nếu Lộc Trời không mua lúa theo hợp đồng đã ký "bẻ kèo" thì sẽ mất toàn bộ tiền đặt cọc, và nếu nông dân không bán lúa cho Lộc Trời thì cũng phải đền bù thiệt hại tương ứng.
Lộc Trời hướng đến tổ chức liên kết sản xuất bền chặt thông qua các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, chi hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã... để đảm bảo hiệu quả sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và cơ giới hóa đồng bộ. Các hợp đồng liên kết sản xuất này đều được đăng ký với chính quyền địa phương để cùng nhau hỗ trợ bà con nông dân trên diện rộng và đồng bộ", ông Thuận nói.
Không "bẻ kèo", nếu...
Ông Phạm Thái Bình cho hay sau gần 10 năm đeo đuổi mô hình liên kết với nông dân, đến nay doanh nghiệp này có trên 10.000ha liên kết theo mô hình cánh đồng lớn, đáp ứng khoảng 25% sản lượng xuất khẩu của công ty.
"Chúng tôi đã hợp tác với nông dân hàng chục năm, đầu tư cho nông dân rất nhiều thì sao "bẻ kèo" của họ được. Ngược lại, nông dân được doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vụ, đến khi bán lúa được giá cao hơn bên ngoài thì làm gì có ông nào "bẻ kèo"", ông Bình nói.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam thiết lập mức đỉnh mới, đang cao hơn gạo Thái Lan và có loại tới 117 USD/tấn.