Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết đến hết tháng 10, sản lượng lúa cả nước đã thu hoạch khoảng 39 triệu tấn.
Nguồn cung gạo dồi dào
Theo Cục Trồng trọt, dự kiến sản lượng cả năm 2023 ước đạt trên 43 triệu tấn lúa, tăng khoảng 452.000 tấn so với năm 2022.
"Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và một phần cho xuất khẩu", ông Cường nói.
Với kế hoạch sản xuất năm tới, ông Cường cho biết vụ đông xuân 2023 - 2024, dự kiến cả nước gieo trồng khoảng gần 3 triệu ha, giảm 10.000ha so với vụ trước. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến tăng 113.000 tấn so với cùng kỳ năm 2022, đạt 20,119 triệu tấn.
Riêng vùng ĐBSCL vụ đông xuân diện tích gieo sạ 1,475 triệu ha, năng suất ước đạt 72,24 tạ/ha và sản lượng khoảng 10,7 triệu tấn.
Trước lo ngại về hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL ảnh hưởng đến sản xuất lúa đông xuân, ông Cường cho hay Cục Trồng trọt đã có giải pháp về thời vụ và xuống các giống lúa ngắn ngày.
"Dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa đông xuân sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã bố trí linh hoạt thời vụ, xuống giống làm bốn đợt từ tháng 10-2023 đến đầu tháng 1-2024.
Việc chủ động xuống giống sớm từ tháng 10 sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, giảm thiểu thiệt hại, nhất là đối với các tỉnh ven biển dự báo sẽ chịu tác động của hạn mặn", ông Cường nói.
Ngoài ra, với hơn 400.000ha lúa đông xuân xuống giống sớm thì từ tháng 1-2024 sẽ cho thu hoạch, điều này giúp duy trì, đảm bảo nguồn cung lúa gạo cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đầu năm tới.
Dự kiến xuất khẩu 8 triệu tấn gạo
Liên quan đến việc có những doanh nghiệp gặp khó trong việc thu mua lúa gạo do giá tăng cao, ông Cường nhấn mạnh nếu như doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng lúa thì sẽ chủ động được nguồn cung trong điều kiện diễn biến rất nhanh và bất thường của thị trường lúa gạo như thời gian qua.
"Doanh nghiệp phải nắm bắt thông tin, ký kết hợp đồng và chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cũng như tham tán nước ngoài để định hướng, dự toán được xu thế của thị trường lúa gạo.
Ví dụ như Ấn Độ tiếp tục cấm xuất khẩu gạo đến khi nào. Tình hình sản xuất, xuất khẩu của Thái Lan, Campuchia ra sao… thì doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin để lựa chọn thời điểm thích hợp ký hợp đồng để giảm thiểu rủi ro", ông Cường khuyến cáo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đến hết tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu 7,12 triệu tấn gạo, thu về 4 tỉ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước.
Với đà xuất khẩu như hiện nay, dự kiến cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu xấp xỉ 8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,5 tỉ USD.
Tuy xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá nhưng ông Tiến cho rằng việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo chưa nhiều, trong khi đây là vấn đề rất quan trọng đối với mỗi ngành hàng.
"Ví dụ như ngành hàng cá tra có 81% cơ sở tham gia vào chuỗi trên tinh thần như Thủ tướng nói "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đây chính là hệ sinh thái bền vững.
Do đó, tới đây bộ cùng hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân... tập trung vào liên kết ngành hàng lúa gạo để có hệ sinh thái bền vững", ông Tiến nói thêm.
Có thời điểm giá gạo 5% tấm đạt tới 663 USD/tấn, trong khi giá gạo Thái Lan và Pakistan ở mức 560 - 570 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 648 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan giá chỉ 520 USD/tấn và Pakistan 488 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam thiết lập mức đỉnh mới, đang cao hơn gạo Thái Lan và có loại tới 117 USD/tấn.