Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế này đang xảy ra tại hai bệnh viện đa khoa tỉnh ở Bình Phước và Bình Dương khiến bệnh nhân bức xúc.
Có bảo hiểm y tế nhưng phải bỏ tiền túi mua vật tư tiêu hao
Bị gãy xương đòn, anh T.P. (ngụ huyện Bù Đăng) vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước để phẫu thuật. Tại đây, bác sĩ liệt kê một loạt danh mục vật tư tiêu hao như gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, bộ nẹp… và yêu cầu anh mua bên ngoài.
Tổng số tiền anh T.P. bỏ ra mua số vật tư này hơn 12 triệu đồng. Song dù có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng bác sĩ thông báo anh không được bảo hiểm chi trả. Điều này khiến anh T.P. rất bức xúc.
Tương tự, anh C. được chẩn đoán bị rạn xương bánh chè và được bác sĩ chỉ định ra nhà thuốc bên ngoài mua hàng loạt vật tư y tế gồm kim tiêm, gạc phẫu thuật, nẹp khóa mâm chày… với chi phí hơn 8 triệu đồng.
Cũng như các bệnh nhân khác, anh không được bảo hiểm chi trả dù có BHYT.
Trong khi đó, ông N.V.N. được chuyển viện vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị với chẩn đoán sỏi thận hai bên. Sau đó, ông được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da.
Tuy nhiên, trước ngày phẫu thuật, bác sĩ đưa một danh sách vật tư y tế như găng tay, băng gạc, kim tiêm, ống hút phẫu thuật, ga trải giường… và yêu cầu người nhà ông N. ra ngoài mua.
Ông N. vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị 3 lần và đều phải tự bỏ tiền mua nhiều vật tư y tế với tổng số tiền hơn 12 triệu đồng. Trong khi BHYT của ông thuộc diện cựu chiến binh, được hỗ trợ 100%.
Việc thiếu vật tư y tế đã xảy ra ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương từ lâu. Trong khi, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước thiếu cả thuốc lẫn vật tư y tế.
Bệnh viện và sở y tế nói gì?
Giải thích về tình trạng thiếu hụt thuốc và vật tư y tế, ngành y tế Bình Phước cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này.
Đó là các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thay đổi liên tục dẫn đến việc lúng túng trong quá trình triển khai; một bộ phận còn có tâm lý lo ngại, sợ sai nên không dám làm; một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp; giá cả hàng hóa nhiều biến động nên việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất khó khăn…
Ngoài ra do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Đỗ Thị Nguyên - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước - vụ việc đang được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao. Trong hai tuần vừa qua, sở cùng Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước tập trung làm ngày làm đêm để giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại bệnh viện.
Đến nay đã ra quyết định phê duyệt 6 gói thầu cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. "Hiện các anh em đang thực hiện các bước tiếp theo, dự kiến khoảng giữa tháng 11 bắt đầu có vật tư", bà Nguyên nói.
Cũng theo bà Nguyên, các gói thầu trên để giải quyết tình trạng cấp bách. Còn các gói thầu tập trung thì đến 17-11 mới mở thầu và thực hiện công tác chấm thầu. Các gói thuốc cũng đang lập hồ sơ mời thầu. Bà Nguyên nói thêm: "Chúng tôi đang cố gắng trong tháng 1-2024 xong các gói thầu sẽ ổn định cho nhân dân".
Ông Lê Ngọc Long - phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương - cho biết bệnh viện vừa có báo cáo gửi các cơ quan chức năng giải thích vì sao có tình trạng người bệnh mua một số vật tư y tế bên ngoài.
Thời điểm tháng 9-2023, do có khó khăn trong công tác đấu thầu về vật tư y tế nên người bệnh điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương phải mua một số vật tư bên ngoài.
Nếu bệnh nhân ở lại điều trị tại bệnh viện, nhân viên y tế của bệnh viện phải giải thích, tư vấn với người bệnh và thân nhân người bệnh (có bản cam kết khi phải mua các vật tư y tế).
Theo ông, nguyên nhân do trước đó các gói thầu có giá trên 200 triệu đồng phải trình qua các cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu (thuộc Sở Y tế). Còn các gói thầu trên 2 tỉ đồng phải trình qua Sở Y tế, Sở Tài chính và UBND tỉnh Bình Dương.
Về vật tư tiêu hao, hiện các gói thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của bệnh viện vẫn thực hiện đấu thầu theo quy định. Theo ông Long, trước đây bệnh viện được tự phê duyệt các gói thầu dưới 200 triệu. Tuy nhiên với hạn mức đó, bệnh nhân chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng thiếu một số vật tư từng đợt phục vụ cho khám chữa bệnh.
Để có đủ vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh, tháng 11-2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã ra nghị quyết phân cấp cho bệnh viện phê duyệt các gói thầu có giá dưới 5 tỉ đồng.
"Hiện nay bệnh viện đang gấp rút chuẩn bị trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu vật tư tiêu hao trị giá 44 tỉ đồng lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến trong thời gian tới sẽ có kết quả gói thầu. Riêng gói hóa chất trị giá hơn 54 tỉ đồng đã đăng hồ sơ mời thầu, dự kiến một tháng nữa sẽ có kết quả gói thầu", ông Long nói.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh. Các bệnh viện đang làm gì để giải quyết vấn đề này?