Bộ Tài chính Mỹ vừa ban hành báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ". Báo cáo tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí: thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Cụ thể, hai tiêu chí đầu tiên gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không được quá 15 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP. Tiêu chí thứ ba dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương tính trong 12 tháng.
Nếu một nền kinh tế đáp ứng hai trong ba tiêu chí trên, Mỹ sẽ đưa họ vào "danh sách giám sát". Một khi nằm trong danh sách này, quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo tiếp theo, để xác định sự cải thiện mang tính lâu dài.
Trong báo cáo kỳ này, Việt Nam là một trong 6 nền kinh tế ở "danh sách giám sát" khi hai tiêu chí vượt ngưỡng. Thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam khoảng 4,7% GDP và thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ đạt 105 tỷ USD.
Trong đó, cán cân vãng lai gồm cán cân thương mại (thể hiện chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu); chênh lệch khoản thu chi dịch vụ từ nước ngoài; thu nhập ròng từ người lao động, nhà đầu tư từ nguồn nước ngoài. Qua đó, cán cân vãng lai thể hiện những giao dịch hàng hoá, dịch vụ giữa người cư trú trong nước và ngoài nước.
5 nền kinh tế khác trong danh sách giám sát gồm, Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapre, Đài Loan, phần lớn cũng do hai tiêu chí trên vượt ngưỡng.
Trước thông tin này, Ngân hàng Nhà nước cho biết báo cáo mới nhất không xác định Việt Nam thao túng tiền tệ, đồng thời Mỹ cũng đưa ra nhận xét tích cực với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.
Tại các cuộc làm việc song phương thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết Bộ Tài chính Mỹ đánh giá Việt Nam đã thể hiện sự nghiêm túc trong việc giải quyết các quan ngại của phía Mỹ và duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ cũng đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để duy trì hợp tác chặt chẽ và thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên, có hiệu quả với Bộ Tài chính Mỹ, qua đó tăng cường hiểu biết, chia sẻ thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh mà hai bên cùng quan tâm.
Hằng năm, Mỹ hai lần công bố báo cáo theo dõi với một số đối tác thương mại lớn.
Việt Nam từng nằm trong "danh sách giám sát" từ tháng 5 năm 2019 khi hai tiêu chí xuất siêu sang Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai vượt ngưỡng. Tới giữa tháng 12/2020, Mỹ xác định Việt Nam là một trong hai quốc gia thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ sau đó đã tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và cho biết chưa đủ bằng chứng khẳng định Việt Nam thao túng tỷ giá theo Đạo luật 1988. Hai bên đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá. Tới kỳ báo cáo 6/2022, Mỹ đưa Việt Nam khỏi diện "bị phân tích nâng cao" và Việt Nam sau đó cũng ra khỏi "danh sách giám sát" tại kỳ báo cáo tháng 11/2022.
Quỳnh Trang