Núi lửa phun trào dữ dội tạo thành hòn đảo mới ở phía nam Tokyo - Video: Asahi/Kazuhiro Ichikawa and Kotaro Ebara
Theo báo chí Nhật Bản, vụ phun trào xảy ra vào ngày 30-10. Phần dung nham tích tụ bên dưới bề mặt nước biển đã nổi lên và hình thành một hòn đảo mới nằm ở ngoài khơi của vùng biển Iwo Jima, phía nam Tokyo.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho hay trước khi hòn đảo hình thành, khu vực này đã phát các cơn rung chấn núi lửa mỗi 2 phút 1 lần kể từ giữa tháng 10.
Ông Setsuya Nakada, giáo sư núi lửa tại Đại học Tokyo, nói với tạp chí Newsweek rằng vụ phun trào ngoài khơi Iwo Jima, còn được gọi là Iwoto, bắt đầu vào năm ngoái. Sau đó nó tiếp tục xảy ra vào ngày 21-10-2023.
Ông cho hay độ sâu của đáy biển vào lúc vụ phun trào bắt đầu vào năm 2022 chỉ nông tới 50m. “Khoảng 10 ngày sau khi quá trình phun trào diễn ra liên tiếp, các vật liệu phun trào như đá, đá bọt, cát đã tích tụ dưới đáy biển và chạm đến mặt biển. Bằng cách tiếp tục phun trào như vậy, hòn đảo nhỏ này đã tự gia tăng kích thước của nó”, ông giải thích.
Căn cứ không quân của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản trong lúc đang theo dõi tình hình tại khu vực thì nghe thấy âm thanh của một vụ phun trào lớn, họ cũng chứng kiến tro và cát bay cao trên bầu trời.
Trước đó JMA thông báo họ phát hiện hòn đảo đang nổi lên từ đáy sâu.
Hòn đảo mới hiện là một phần của quần đảo nhiệt đới Ogasawara, bao gồm chủ yếu là đá. Nếu hoạt động núi lửa vẫn tiếp tục, hòn đảo có thể trở nên lớn hơn nữa.
“Khi tôi bay qua vùng biển Iwo Jima vào ngày 3-11, hoạt động phun trào của núi lửa đã thay đổi”, giáo sư Nakada thông tin. “Tro và bom núi lửa phun trào ồ ạt cao tới 100m và chúng đổ xuống miệng núi lửa trở lại, sau đó xuất hiện một đám mây tro bụi di chuyển theo chiều ngang từ miệng núi đến mặt biển. Hiện tượng này cho thấy dung nham có khả năng chạm tới mặt biển mà không cần tiếp xúc với nước biển”.
Chia sẻ với báo Japan Times, vị giáo sư cho rằng dòng dung nham đang tuôn chảy trong khu vực sẽ giúp bảo tồn hòn đảo, có khả năng biến nó thành một phần vĩnh viễn của cảnh quan nơi đây.
Chính quyền cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động núi lửa tại khu vực trong những ngày tới.
"Điểm nóng" núi lửa và động đất
Nhật Bản là một trong những quốc gia có nhiều núi lửa nhất thế giới. Đất nước này nằm ở nơi bốn mảng kiến tạo gặp nhau nên là điểm nóng của hoạt động núi lửa và địa chấn.
Khi núi lửa dưới nước (núi lửa gầm) phun trào, quá trình tạo ra dung nham của nó đôi khi làm vỡ bề mặt của nước và tạo thành các hòn đảo.
Trước đây đã có những hòn đảo khác được hình thành tại quần đảo Ogasawara. Năm 2013, khu vực này từng ghi nhận một đảo mới được hình thành từ một vụ phun trào núi lửa dưới nước. Hòn đảo này sau đó sáp nhập với một hòn đảo cũng được hình thành từ hoạt động núi lửa ngầm có tên Nishinoshima.
Núi lửa Taal ở tỉnh Batangas, gần thủ đô Manila, Philippines phun khí SO2 và khói bụi khiến hàng loạt trường học đóng cửa, hàng chục chuyến bay bị hủy trong ngày 22-9.