Theo Hãng tin Russia Today (RT), hai tiểu đoàn xe tăng của Đức sẽ cùng nhóm chiến đấu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thành lập một lữ đoàn mới. Lithuania là một quốc gia thuộc NATO, có chung biên giới với Nga và Belarus.
Lữ đoàn mới có tên Lữ đoàn tăng 42, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025 với quân số khoảng 4.800 người. "Tiểu đoàn xe tăng 203 và Tiểu đoàn bộ binh cơ giới 122 sẽ được triển khai đến Lithuania", RT trích thông báo từ Bộ Quốc phòng Đức ngày 6-11. Theo đó, đơn vị xe tăng mới sẽ có tên là Lữ đoàn tăng 42.
Các binh sĩ bổ sung sẽ gia nhập vào lực lượng luân phiên của NATO do Đức chỉ huy, ngay khi tất cả cơ sở hạ tầng cần thiết được hoàn thiện.
Hiện có khoảng 1.700 quân nhân từ sáu quốc gia thuộc NATO đóng quân tại Lithuania, một nửa trong số đó thuộc quân đội Đức.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius mô tả việc nước này triển khai quân đến Lithuania là dự án "ngọn hải đăng trong bước chuyển dịch của thời đại mới".
Trả lời truyền thông Đức vào tháng 10, ông Pistorius cho biết với động thái trên, Berlin nỗ lực thể hiện "tình đoàn kết và trách nhiệm với cánh phía đông (châu Âu)". Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh Nga là mối đe dọa và tình thế này sẽ tiếp tục trong "ít nhất vài năm nữa".
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo NATO về việc triển khai các lực lượng đến sát biên giới Nga, nói rằng nước này sẽ có đáp trả tương ứng cho động thái tăng cường quân sự ở Đông Âu.
Tháng 9-2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cáo buộc NATO đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Matxcơva, khi khối này công bố kế hoạch tập trận chung lớn nhất thời hậu chiến tranh lạnh.
Ông Grushko cho rằng cuộc tập trận Hộ vệ kiên định dự kiến diễn ra trong năm 2024 của NATO là "có tính chất hung hăng rõ ràng" và thể hiện chủ đích tạo "áp lực quân sự và chính trị" lên Nga.
Tháng 10-2023, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói nước này sẽ phải đáp trả cho kế hoạch chia sẻ hạt nhân của NATO. Theo kế hoạch của NATO, một kho vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ được đặt bên ngoài lãnh thổ Mỹ và Washington sẽ đào tạo các nước đồng minh cách triển khai các loại khí tài này.
Ngoại trưởng Nga cảnh báo thỏa thuận này dẫn đến sự gia tăng của các "nguy cơ mang tính chiến lược" và các mối đe dọa chung khác từ NATO.
Theo tờ Politico, NATO đang phải đối mặt với 'bài toán khó' khi phải chia sẻ sự hỗ trợ cho cả Ukraine và Israel.