BYD - Khủng long xe điện của Trung Quốc
Gần 11 giờ sáng ngày 25/10, thời điểm chuẩn bị bắt đầu triển lãm ô tô Japan Mobility Show, không khó để bắt gặp những đoàn người đông đúc đang chờ đợi cuộc họp báo. Xuất hiện trong đó có Koji Sato, Giám đốc điều hành của Toyota Motor. Từ xa, có một người đàn ông mặc vest màu xanh dương lịch sự, đơn giản bước ra từ hậu trường và ngồi vào ghế khán giả. Đó là Wang Chuanfu, chủ tịch của BYD, một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới và là đối thủ lớn nhất của Tesla. Ông không nói lời nào nhưng nở nụ cười mãn nguyện trên khuôn mặt.
Với sức mạnh của các tên tuổi nội địa, Nhật Bản là một thị trường khó khăn cho những nhà sản xuất ô tô nước ngoài muốn thâm nhập. Nhưng sự xuất hiện của Wang và BYD tại triển lãm ô tô hàng đầu Tokyo là tín hiệu cho thấy sự tự tin của công ty Trung Quốc này sau một năm đột phá trên các thị trường trên toàn thế giới.
Trong quý III năm nay, BYD đã suýt đánh bại Tesla về số lượng xe điện bán ra trên toàn cầu với doanh số bán khoảng 431.603 xe điện chạy pin, tăng 23% so với quý trước. Trong khi đó, Tesla đã giao được 435.059 xe trên toàn thế giới. Khoảng cách giữa 2 hãng ô tô chỉ là 3.456 chiếc.
Theo Nikkei Asia, xét bên ngoài Trung Quốc, BYD đã giành ngôi vương về xe điện bán chạy nhất ở Thái Lan, Thụy Điển, Úc, New Zealand, Singapore, Israel và Brazil (cả Trung Quốc là 8).
Xe điện Trung Quốc đang thâm nhập thị trường châu Á và châu Âu với tốc độ chưa từng thấy. Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc có nhiều hạn chế về xuất khẩu nhưng năm nay, lần đầu tiên nước này đã xuất khẩu nhiều ô tô hơn nhập khẩu. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong quý đầu tiên của năm 2023 (bao gồm cả ô tô nước ngoài được sản xuất tại Trung Quốc).
Và thành công của lĩnh vực xe điện Trung Quốc sẽ thật khó hình dung nếu không nêu đến cái tên BYD.
BYD trở thành đối thủ số 1 của Tesla…bằng cách nào?
Năm 1995, Wang Chuanfu, một nhà nghiên cứu về pin 29 tuổi, đã từ chức tại một viện nghiên cứu và vay 2,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 343.000 USD ngày nay, hơn 8 tỷ đồng) từ một người họ hàng để xây dựng nhà máy sản xuất pin điện thoại di động. Công ty do ông thành lập có tên là BYD - viết tắt của từ tiếng Anh "build your dreams" (xây dựng ước mơ của bạn).
Năm 2005, BYD đã cho ra mắt phiên bản F3E chạy bằng pin. Dòng thứ hai chưa bao giờ được đưa ra thị trường do thiếu hỗ trợ công nghệ nhưng lại là tiền đề cho một loạt mẫu xe điện thành công sau này.
Con đường không phải lúc nào cũng bằng phẳng nhưng BYD đã sớm nổi lên như một “ngôi sao” chủ chốt trên thị trường ô tô Trung Quốc. Năm 2008, BYD trở thành hãng xe được tỷ phú lừng danh Warren Buffett hậu thuẫn. Vào thời điểm đó, công ty vẫn chủ yếu là nhà sản xuất pin sạc nhưng đã là một trong những công ty hàng đầu trên thị trường. Wang Chuanfu trở thành người giàu nhất Trung Quốc vào năm 2009 khi giá cổ phiếu của BYD tăng gấp 5 lần.
Tuy nhiên, doanh số bán xe điện của BYD không tăng mạnh một cách đột ngột. Phải đến năm 2021, thời kỳ đại dịch kết hợp cùng giá cả tăng cao (bao gồm cả giá xăng) đã tạo ra mối quan tâm mạnh mẽ đối với xe điện. Từ đó, BYD bắt đầu xuất khẩu xe với số lượng lớn. Công ty đã bán được tổng cộng 1,8 triệu chiếc vào năm 2022, nhiều hơn gấp ba lần so với một năm trước đó.
Doanh số bán xe điện của công ty tiếp tục phá kỷ lục trong năm nay và tính đến tháng 10/2023, công ty đã bán được tổng cộng hơn 5,7 triệu xe điện trên toàn cầu. BYD đã ngừng sản xuất ô tô chạy xăng vào năm ngoái.
Các nhà phân tích cho rằng phần lớn thành công của BYD là nhờ nỗ lực cắt giảm chi phí. Công ty đã tự sản xuất nhiều bộ phận, bao gồm cả pin - riêng bộ phận này đã chiếm khoảng 30% tổng chi phí của một chiếc xe. Họ cũng sử dụng một mạng lưới các nhà máy khổng lồ và có dây chuyền xuyên suốt từ bộ phận pin cho đến tàu vận chuyển ô tô ra nước ngoài. Ngược lại, các công ty cùng ngành của BYD mua linh kiện theo giá thị trường từ các nhà cung cấp thương mại.
Năm 2007, ông Wang từng nói với truyền thông Trung Quốc rằng tự sản xuất linh kiện là bí quyết giúp BYD tăng trưởng nhanh chóng. "Người ta vẫn hay nói rằng việc chế tạo ô tô cần rất nhiều công nghệ phức tạp. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi có thể tự mình xử lý mọi việc như cách tôi đang sản xuất xe điện”.
Vào thời điểm đó, công nghệ về động cơ và hộp số của Trung Quốc có phần tụt hậu so với các công ty cùng ngành trên thế giới. Nhưng Wang đã coi điện khí hóa là một cách để đi tắt đón đầu. Ông hùng hổ nói: “Đối với một chiếc xe điện, một dây dẫn duy nhất và bốn động cơ là đủ để đạt được hệ dẫn động bốn bánh và tốc độ biến đổi liền mạch. Không cần động cơ hay hộp số. Thiết bị đắt tiền của bạn không có ý nghĩa với tôi”.
Theo Nikkei, 75% linh kiện của mẫu xe BYD Seal là tự sản xuất - có sự khác biệt rõ rệt với 46% linh kiện của Tesla Model 3 được sản xuất tại Trung Quốc. Ngân hàng UBS kết luận rằng điều này đã giúp Seal đạt được tỷ suất lợi nhuận gộp là 16%, so với 14% của Tesla Model 3 sản xuất tại Trung Quốc.
Paul Gong, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu ô tô Trung Quốc tại UBS nhận định: “Chúng tôi nhận thấy rằng lợi thế về chi phí của BYD không chỉ đến từ lao động rẻ hoặc chuỗi cung ứng chi phí thấp mà nó còn đến từ đổi mới kỹ thuật và công nghệ của hãng”.
BYD cũng đã cố gắng giảm 10% khối lượng và trọng lượng tổng thể của ô tô nhờ một công nghệ sản xuất mới, tạm gọi là e-platform 3.0. Vào tháng 3/2020, BYD cũng giới thiệu Pin Blade, sử dụng lithium-iron-phosphate (LFP), đồng thời nâng cao mật độ năng lượng và tổng công suất của pin.
Chiến lược mạnh mẽ và tối ưu của Chính phủ Trung Quốc
Chiến lược xe điện của Trung Quốc bắt đầu hình thành ngay khi BYD đang phát triển và cả hai đã đồng hành song song kể từ đó.
Từ khoảng năm 2008, Bắc Kinh bắt đầu coi điện khí hóa không chỉ là con đường tối ưu để dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô mà còn là câu trả lời cho một số vấn đề khác như bảo vệ môi trường.
Thành công của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc chắc chắn nhờ sự hỗ trợ lớn của nhà nước, ví dụ khoản đầu tư khổng lồ vào các trạm sạc. Được biết, Bắc Kinh đã rót hơn 100 tỷ nhân dân tệ vào các khoản trợ cấp cho phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV) bao gồm xe điện và xe hybrid kể từ năm 2009. Vào cuối tháng 9 năm nay, Trung Quốc có khoảng 2,5 triệu điểm sạc công cộng trên khắp cả nước. Mạng lưới được thiết lập dọc theo các đường cao tốc lớn và trong các thành phố lớn.
Theo Nikkei Asia