Chiều nay (8/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Quốc hội.
Cần quy định phạt tiền đối với người đấu giá "bỏ cọc"
Theo đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn ĐBQH TPHCM) thực tế nhiều người tham gia đấu giá nhưng mục đích của họ chưa hẳn là mua được tài sản đấu giá. Ngoài việc trả giá cao, họ còn có những mục đích khác như: thao túng mặt bằng giá mới, phô trương danh thế… Cho nên, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được làm chặt chẽ.
Cũng theo đại biểu Dương Ngọc Hải, cần quy định tiền đặt cọc trước đấu giá như thế nào để ràng buộc được trách nhiệm những người tham gia đấu giá. Để cho họ thấy rằng, nếu như họ vi phạm luật thì có thể mất tiền cọc và bị phạt hành chính.
Đối với các hành vi nghiêm cấm để lộ lọt thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi, theo đại biểu Dương Ngọc Hải, quy định này rất khó thực hiện và khó chứng minh hành vi trục lợi.
"Ở góc độ hình sự, để chứng minh được hành vi trục lợi rất khó. Chỉ xem rằng, việc làm lộ lọt thông tin đăng ký tham gia đấu giá là hành vi nghiêm cấm và bỏ cụm từ "mục đích nhằm trục lợi" để mở rộng hành vi nghiêm cấm này", đại biểu nêu.
Quy định yêu cầu người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá cũng được đại biểu Dương Ngọc Hải nhận định là chưa phù hợp là không khả thi. Bởi theo đại biểu này, người có tài sản đấu giá có thể là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Nếu cá nhân thì họ không thể có khả năng thẩm tra, xét duyệt năng lực điều kiện của người tham gia đấu giá. Đặc biệt có những tài sản có rất nhiều cơ quan tổ chức tham gia đấu giá.
"Việc này cần để các cơ quan tổ chức thực hiện đấu giá tài sản thực hiện, vì họ có năng lực, chuyên môn", đại biểu nhấn mạnh.
Về quy định tiền đặt cọc trước khi tham gia đấu giá tài sản, đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng, thực tiễn trong thời gian vừa qua, việc tăng tiền đặt cọc lên 10% để ngăn chặn việc sẵn sàng mất cọc để thực hiện mục đích khác là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh, theo đó quy định rõ biên độ chênh lệch đặt cọc mức tối thiểu và mức đặt tối đa, tùy theo giá trị, vị trí tài sản.
Ngoài ra, đại biểu Dương Ngọc Hải cũng đề nghị phạt tiền đối với người không chấp hành đúng pháp luật đấu giá, không vì mục đích mua được tài sản. Họ sẽ mất tiền cọc và chịu thêm phạt hành chính.
Cũng nêu ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH Bình Định - cho rằng nếu người đấu giá chứng minh được, họ có yếu tố bất khả kháng dẫn đến bỏ đấu giá như mất tài sản, lũ lụt, gặp tai nạn thì có thể được chấp nhận, không bị xử lý còn không thì nên cấm người đó đấu giá tài sản trong khoảng thời gian.
Trong trường hợp người trúng đấu giá không nhận, ông Cảnh đề xuất có thể cho phép người đấu giá cao thứ hai có quyền được nhận tài sản để hạn chế không phải đấu giá lại, mất thời gian và công sức.
Cần bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn ĐBQH Điện Biên) cho rằng có một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với một số tài sản đặc thù hoặc cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp cụ thể.
Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện...
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về đấu giá tài sản hình thành trong tương lai. Ví dụ, dự án bất động sản là các căn hộ, nhà ở… mà người mua đã đặt cọc hoặc thanh toán một phần giá trị tài sản theo hợp đồng; quyền sở hữu trí tuệ như các phát minh, sáng chế, giải pháp, phần mềm, công nghệ…
Trong khi đó, thời gian qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, đấu giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo nhằm thu lợi, tạo nên cơn "sốt đất" ảo…
Theo đại biểu Tại Thị Yên, dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.
"Tuy nhiên, trong thực tế diễn biến của các phiên đấu giá, khi hành vi của các chủ thể không bình thường, dự thảo luật vẫn chưa quy định rõ nên hoãn hoặc dừng phiên đấu giá để phân tích, đánh giá tình hình", đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.
Để tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá, theo đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành, hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia…
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, những quy định trên rất mới, theo hướng công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan.